Hướng dẫn 1133/HD-SNV năm 2014 thực hiện Quyết định 08/2014/QD-UBND về phân cấp công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công, viên chức tỉnh Hà Giang

Số hiệu 1133/HD-SNV
Ngày ban hành 12/11/2014
Ngày có hiệu lực 12/11/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Bùi Văn Tuân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UBND TỈNH HÀ GIANG
SỞ NỘI VỤ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1133/HD-SNV

Hà Giang, ngày 12 tháng 11 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2014/QĐ-UBND NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG VỀ QUY ĐỊNH PHÂN CẤP CÔNG TÁC QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ngày 29/5/2014 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND về quy định phân cấp công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong quá trình thực hiện, có một số nội dung của Quyết định này chưa phù hợp. Trong khi chưa sửa đổi, được sự đồng ý của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở Nội vụ hướng dẫn như sau:

1. Về tổ chức bộ máy, thực hiện như sau

Điểm a khoản 1 Điều 5

Trình Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với: các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, tổ chức Hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh, tổ chức Quỹ có phạm vi hoạt động cấp tỉnh.

Điểm c khoản 1 Điều 5

Quyết định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập cấp tình; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức Hội cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; các Phòng chuyên môn thuộc Sở, thuộc đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình trường các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của tỉnh theo quy định của pháp luật.

Thành phần hồ sơ đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Đối với thành lập tổ chức hành chính: Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp Nhà nước và kèm theo đề án vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ;

b) Đối với thành lập đơn vị sự nghiệp công lập: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và kèm theo đề án vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ; đồng thời trong dự thảo quyết định thành lập phải ghi rõ việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp theo quy định tại tại Quyết định số 181/2005/NĐ-CP ngày 19/7/2005 của Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập;

c) Đối với tổ chức lại, giải thể tổ chức: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định 83/2006/NĐ-CP (đối với tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính); khoản 1 Điều 15 Nghị định 55/2012/NĐ-CP (đối với tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập).

d) Trường hợp đề nghị đổi tên hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc nội dung khác mà không có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, loại hình đơn vị, biên chế, cơ cấu công chức hoặc số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập:

Hồ sơ gồm: Tờ trình (thể hiện các nội dung: căn cứ pháp lý, thực trạng và sự cần thiết; nội dung đề nghị điều chỉnh, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ sau khi điều chỉnh kèm theo dự thảo quyết định).

2. Về công tác hội

2.1. Các Sở, ban, ngành (đối với cấp tỉnh), Phòng chuyên môn (đối với cấp huyện) được giao chức năng quản lý Nhà nước đối với các tổ chức Hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động của Hội; thẩm tra hồ sơ về thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt Điều lệ, tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường trước khi gửi Sở Nội vụ (đối với cấp tỉnh), Phòng Nội vụ (đối với cấp huyện) xem xét, thẩm định trình cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp.

2.2. Thành phần Hồ sơ

- Hồ sơ đề nghị thành lập Hội: Ban vận động thành lập hội thực hiện xây dựng Hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

- Hồ sơ Báo cáo Đại hội nhiệm kỳ (hoặc Đại hội bất thường): Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;

- Hồ sơ Báo cáo kết quả đại hội: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

2.3. Khi thay đổi nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của hội; thay đổi trụ sở, sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoặc các nội dung khác có liên quan đến công tác tổ chức của hội thì Ban lãnh đạo hội phải gửi văn bản báo cáo kèm theo Nghị quyết của hội và sơ yếu lý lịch của cá nhân (trong trường hợp thay đổi, bổ sung nhân sự) đến cơ quan thẩm định (Sở Nội vụ, đối với cấp tỉnh; Phòng Nội vụ, đối với cấp huyện) để trình cấp có thẩm quyền. Khi có chủ trương (bằng văn bản) của cơ quan có thẩm quyền mới được triển khai thực hiện.

2.4. Chế độ báo cáo

Vào quý IV hàng năm, các tổ chức Hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng báo cáo về tình hình công tác Hội theo đề cương tại Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và biểu mẫu kèm theo Công văn đề nghị các đơn vị xây dựng báo cáo của Sở Nội vụ (nếu có).

3. Về biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Chỉ tiêu biên chế, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao trên cơ sở vị trí việc làm.

3.1 Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

Theo quy định, đề án vị trí việc làm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì giữ ổn định. Trường hợp cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hoặc được tổ chức lại, giải thể, thành lập mới, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính... theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có đề án điều chỉnh bổ sung vị trí việc làm gửi Sở Nội vụ thẩm định theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý;

3.2. Trình tự, thủ tục điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức được thực hiện như trình tự, thủ tục xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện.

[...]