Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Xô viết Liên bang Nga (1991)

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 15/08/1991
Ngày có hiệu lực 15/08/1991
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Liêng bang Nga,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ VIẾT LIÊN BANG NGA (1991)

Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, dưới đây gọi tắt là các Bên ký kết,

Nhằm mục đích củng cố và phát triển hợp tác quốc tế – Thương mại giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Nga,

Tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế trong khi thực hiện các mối quan hệ kinh tế với nhau,

Đã thảo luận về những điều sau đây :

Điều 1. Các bên ký kết sẵn sàng thiết lập và phát triển các mối quan hệ kinh tế- thương mại cùng có lợi.

Việc giao hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho nhau sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa các thành viên Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga được uỷ quyền một cách hợp lệ để tiến hành hoạt động kinh tế đối ngoại.

Việc thanh toán và trả tiền trong buôn bán với nhau sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo thời giá thế giới và với những điều kiện được áp dụng trong thương mại quốc tế.

Để duy trì các mối quan hệ kinh tế – thương mại đã hình thành và cần thiết cho các Bên ký kết, các Bên có thể lập các danh mục định hướng bao gồm khối lượng và danh mục hàng hoá và dịch vụ có tầm quan trọng hàng đầu, và không mang tính chất hạn chế.

Điều 2.

Các Bên ký kết sẽ tạo những điều kiện pháp ký, kinh tế, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để duy trì và phát triển các hình thức quan hệ kinh tế thương mại giữa các thành viên quan hệ kinh tế đối ngoại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga, bao gồm quan hệ trực tiếp, xí nghiệp liên doanh, chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất, các dịch vụ trao đổi hàng hoá (đổi hàng).

Điều 3. Các Bên ký kết sẽ hỗ trợ sự phát triển buôn bán với nhau trên cơ sở thực tiễn và nguyên tắc được áp dụng trong mậu dịch quốc tế.

Các Bên ký kết sẽ dành cho nhau chế độ tối huệ quốc về tất cả các vấn đề hợp tác kinh tế – thương mại.

Các cơ quan được uỷ quyền của các Bên ký kết sẽ kịp thời cấp giấy phép trong khuôn khổ thẩm quyền của mình cho việc giao hàng theo các hợp đồng được ký kết giữa các thành viên quan hệ kinh tế đối ngoại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, trong những trường hợp cần phải có giấy phép.

Điều 4. Hàng hoá giao thiệp theo Hiệp định này chỉ được tái xuất sang nước thứ ba khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của người xuất khẩu.

Điều 5. Các Bên ký kết thoả thuận sẽ tiếp tục sự hợp tác đã hình thành theo các chương trình dài hạn có mục tiêu trong lĩnh vực tổ hợp nông công nghiệp và sản xuất hàng công nghiệp nhẹ và các lĩnh vực khác.

Điều 6. Các ngân hàng được ủy quyền của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga trong thời hạn một tháng kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực sẽ thoả thuận thể thức kỹ thuật thanh toán và trả tiền cần thiết cho các nghiệp vụ kinh tế đối ngoại được thực hiện phù hợp với hiệp định này.

Điều 7. Các Bên ký kết sẽ thành lập Uỷ ban hỗn hợp gồm đại diện của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga để xem xét quá trình thực hiện Hiệp định này và soạn thảo các khuyến nghị về những biện pháp phát triển kinh tế thương mại.

Uỷ ban hỗn hợp này theo sự thoả thuận lẫn nhau, sẽ họp luân phiên tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga.

Điều 8. Mọi tranh chấp về cách giải thích về vận dụng Hiệp đinh này sẽ được giải quyết bằng con đường thương lượng.

Điều 9. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi một trong các Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên kia không chậm hơn trước 6 tháng, về ý định của mình muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.

Sau khi Hiệp định này hết hiệu lực, các điều khoản của Hiệp định này vẫn được tiếp tục áp dụng cho tất cả các hợp đồng, mà nghĩa vụ của những hợp đồng đó phát sinh trong thời kỳ Hiệp định có hiệu lực, nhưng chưa được thực hiện hết vào thời điểm hết hiệu lực.

Làm tại Matxcơva, ngày 15 tháng 8 năm 1991 bằng 2 văn bản, một bản tiếng Việt, một bản tiếng Nga, cả hai văn bản có giá trị ngang nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ VIẾT
LIÊN BANG NGA