Công văn 969/BCT-TTTN năm 2022 về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 969/BCT-TTTN |
Ngày ban hành | 01/03/2022 |
Ngày có hiệu lực | 01/03/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Nguyễn Hồng Diên |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 969/BCT-TTTN |
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Thương nhân đầu mối kinh doanh
xăng dầu; |
Hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, hiện ở mức dầu WTI là 95,50 USD/thùng, dầu Brent là 101,44 USD/thùng (ngày 28/02/2022) và vẫn đang diễn biến phức tạp. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân cũng như phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai ngay việc nhập xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 của Bộ Công Thương để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường và bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước; công khai nguồn hàng nhập và xuất bán cho thị trường tại website của doanh nghiệp và có báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 20 hàng tháng.
2. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch. Nếu doanh nghiệp thiếu nguồn cung xăng dầu do việc cắt giảm sản lượng từ nguồn sản xuất trong nước cần chủ động liên hệ với các thương nhân đầu mối được giao nhập khẩu bổ sung để trong mọi tình huống đều bảo đảm có đủ nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ.
3. Chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cung cấp đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu nào thiếu xăng dầu để bán, thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định. Nếu cơ quan chức năng phát hiện việc đầu cơ, găm hàng tại bất kỳ doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó sẽ bị kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Công Thương sẽ Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước. Trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
5. Bộ Công Thương đã và đang báo cáo cấp có thẩm quyền để rà soát tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trên, trường hợp có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý./.
|
BỘ TRƯỞNG |