Công văn 9549/UBND-GT về phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 9549/UBND-GT |
Ngày ban hành | 06/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 06/11/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Văn Khôi |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9549/UBND-GT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2011 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
UBND Thành phố Hà Nội nhận được công văn số 7682/VPCP-KTN ngày 01/11/2011 của Văn phòng Chính phủ đề nghị tham gia ý kiến về đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tập trung đầu tư, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành Trung ương nghiên cứu phương án di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện chuyên khoa lớn ra ngoài khu vực trung tâm; tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông; tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trật tự đô thị; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng; từng bước tổ chức giao thông, phân làn, phân luồng phương tiện hợp lý …nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn. Trong đó, nghiên cứu phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại là một trong những giải pháp cần thiết để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trên địa bàn Thành phố.
Trên cơ sở đó, UBND Thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương với Bộ Giao thông vận tải về đề xuất điều chỉnh giờ làm việc và học tập trên địa bàn Thành phố nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông.
2. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ làm việc và học tập sẽ tác động đến hoạt động trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt liên quan đến đối tượng điều chỉnh giờ. Do vậy, cần phải nghiên cứu một cách khoa học nhằm vừa góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, vừa hạn chế phát sinh mới cho các đối tượng liên quan đến điều chỉnh giờ làm việc, học tập.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình ùn tắc giao thông hiện nay, tiếp thu ý kiến phản ánh của công luận, dư luận để xây dựng phương án. Ngày 03/11/2011, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp để xin ý kiến các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương (đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Công an) để xin ý kiến đóng góp cho phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Đại biểu dự họp đều cơ bản thống nhất với phương án đề xuất của Thành phố Hà Nội. Một số ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh giờ học tập của học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề theo hướng: giờ học các lớp buổi sáng từ 6 giờ 30’, giờ học các lớp buổi chiều kết thúc 18 giờ 30’.
3. Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, ý kiến đóng góp của đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất phương án giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn Thành phố với 3 nhóm chủ yếu như sau:
a) Nguyên tắc điều chỉnh:
- Căn cứ thực trạng diễn biến tình hình giao thông của Thành phố, sau khi khảo sát và cân nhắc kỹ về lượng người, phương tiện tham gia giao thông, đối tượng tham gia giao thông trong các giờ cao điểm và dự kiến những vấn đề phát sinh để đề xuất phương án điều chỉnh;
- Việc điều chỉnh giờ làm việc phải góp phần làm giảm ùn tắc giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn nảy sinh đối với các đối tượng liên quan đến việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập;
- Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được sự cần thiết của việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại; tạo được sự đồng thuận và tự giác chấp hành, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
b) Thời gian:
* Nhóm 1: Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Trung ương và Hà Nội, học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở giữ nguyên như hiện nay là hợp lý, phù hợp việc đưa đón, quản lý, chăm sóc con em của phụ huynh thuận lợi.
- Thời gian làm việc: Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương làm việc từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30; Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Thành phố làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ.
- Thời gian học tập của học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở: thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ chiều; Bố trí giáo viên nhận các cháu từ 7 giờ sáng và trả các cháu đến 18 giờ.
* Nhóm 2: Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và học sinh các trường trung học phổ thông:
Thời gian đối với ca học buổi sáng: học trước 7 giờ; đối với ca học buổi chiều kết thúc sau 18 giờ 00.
* Nhóm 3: Trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị:
Thời gian mở cửa: Từ 9 giờ sáng; thời gian đóng cửa: Sau 19 giờ.
c) Phạm vi:
Phạm vi điều chỉnh giờ làm việc và học tập: Tình trạng ùn tắc giao thông tập trung trong nội thành và khu vực lân cận, do đó, phương án áp dụng trong phạm vi 10 quận nội thành và hai huyện Từ Liêm, Tranh Trì.
d) Thời điểm thực hiện:
Từ ngày 01/12/2011 hoặc từ ngày 01/01/2012.
đ) Một số công việc khác:
Cùng với phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chấn chỉnh và kiên quyết thực hiện một số giải pháp mà Thành phố đã triển khai trước đây như quy định giờ hoạt động cho các phương tiện vận tải cồng kềnh, các xe chuyên dùng cỡ lớn, xe lữ hành không được hoạt động trong giờ cao điểm, hạn chế và không cấp mới giấy phép hoạt động cho xe taxi, kiểm soát lại hoạt động của xe xích lô, xe ba bánh tự chế; kiểm tra tăng cường quản lý các điểm đỗ xe, dừng xe, kiên quyết xử lý vi phạm đối với xe đỗ sai quy định, đỗ dưới lòng đường, thực hiện “lòng đường dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ”, hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong các quận nội thành, thực hiện đúng quy hoạch được duyệt v.v…
UBND Thành phố Hà Nội kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.