Công văn 914/BNN-TCTS về báo cáo xử lý thông tin nêu trên báo Tiền phong do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành

Số hiệu 914/BNN-TCTS
Ngày ban hành 06/04/2011
Ngày có hiệu lực 06/04/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 914/BNN-TCTS
V/v báo cáo xử lý thông tin nêu trên báo Tiền phong

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được công văn số 1108/VPCP-TH ngày 25 tháng 02 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý thông tin nêu trên báo Tiền phong ngày 11 tháng 02 năm 2011. Sau khi kiểm tra tình hình nuôi tôm tại 06 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. TÌNH HÌNH NUÔI VÀ DỊCH BỆNH TÔM NĂM 2010

Theo báo cáo nhanh đến ngày 07/03/2011 của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản 06 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), năm 2010 diện tích thả nuôi tôm là 573.606,2 ha, diện tích bị bệnh là 51.521,87 ha chiếm tỷ lệ 8,9%. Trong đó tại Trà Vinh diện tích thả nuôi là 23.986,2 ha, diện tích bị bệnh là 4.410,8 ha chiếm tỷ lệ 18,4% (giảm 2.658,2 ha so với cùng kỳ). Như vậy theo báo cáo của các địa phương thì tỷ lệ tôm chết như trên là giảm so với năm trước và không có hiện tượng tôm chết hàng loạt ở nhiều địa phương như báo đã đưa.

Dịch bệnh xảy ra chủ yếu tại diện tích nuôi quảng canh, tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh không bị thiệt hại nhiều. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chết là do:

- Điều kiện vùng nuôi: Hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo cho sản xuất (thiếu nước ngọt hoặc nước mặn); Nước ao nuôi ô nhiễm do nguồn nước cấp và nước thải chưa được bố trí tách biệt; Vẫn còn tình trạng xả nước các ao đầm nuôi bị bệnh chưa qua xử lý ra sông, rạch.

- Công tác cải tạo ao nuôi không đảm bảo, người dân nóng vội thả giống.

- Công tác quản lý chất lượng tôm giống: Cơ quan quản lý đã có nhiều cố gắng tuy nhiên vẫn để lọt giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn được nhập vào địa phương.

II. TÌNH HÌNH NUÔI TÔM 02 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2011

- Hai tháng đầu năm 2011 chủ yếu tập trung cho khâu cải tạo ao đầm là chính, diện tích tôm giống thả nuôi tại 06 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới đạt khoảng 82.509 ha (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ), hiện vẫn còn đang tiếp tục cải tạo. Trong hai tháng qua, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có xảy ra nhưng ở mức độ thấp chủ yếu tập trung ở vùng nuôi quảng canh cải tiến: Bạc Liêu là 524 ha, Bến Tre là 13,44 ha.

- Biện pháp thực hiện: Năm 2011, theo dự báo sẽ có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp. Do vậy, để chủ động đối phó, phòng ngừa với những khả năng bất lợi ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản và triển khai thực hiện tốt kế hoạch năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo:

+ Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan ban ngành chỉ đạo các Chi cục Nuôi trồng thủy sản tăng cường công tác quản lý điều kiện sản xuất kinh doanh giống; kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, con giống và chất xử lý cải tạo môi trường.

+ Tổng cục Thủy sản có công văn số 10/TCTS-NTTS ngày 05 tháng 01 năm 2011 chỉ đạo mùa vụ sản xuất, đối với tôm sú và tôm chân trắng tùy theo lợi thế về điều kiện của từng địa phương, chỉ đạo người nuôi tuân thủ theo lịch mùa vụ, nuôi rải vụ và tuân thủ kỹ thuật cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho việc thả giống đầu vụ; chỉ đạo kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật và thời gian thu hoạch; thường xuyên theo dõi diễn biến của chất lượng môi trường nước ao nuôi, nguồn nước cấp, phát hiện mầm bệnh để có những biện pháp xử lý thích hợp.

+ Chỉ đạo địa phương lập kế hoạch cung cấp giống; tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị đủ con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu giống đầu vụ cho người nuôi; ưu tiên phát triển sản xuất giống tại chỗ ở một số địa phương có điều kiện tốt.

+ Chỉ đạo các Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường-bệnh thuộc các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản làm tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường-bệnh ,đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để nhanh chóng cảnh báo cho người nuôi những biến động xấu về môi trường, tình hình dịch bệnh để người nuôi có kế hoạch phòng chống.

+ Chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các Cục, Vụ có liên quan nhanh chóng soạn thảo ban hành Thông tư quy định điều kiện nuôi để có cơ sở quản lý tốt vùng nuôi; quy chế phòng dịch và dập dịch trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- TTr Nguyễn Thị Xuân Thu (để biết);
- Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (để biết);
- Văn phòng Bộ;
- Báo Tiền phong;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

PHỤ LỤC

THỐNG KÊ DIỆN TÍCH TÔM NUÔI BỊ BỆNH NĂM 2010 TẠI 06 TỈNH ĐBSCL
(Ban hành kèm theo Công văn số 914/BNN-TCTS ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

STT

Địa phương

Diện tích thả tôm (ha)

Diện tích tôm bị bệnh (ha)

Tỷ lệ % thiệt hại

Ghi chú

1

Kiên Giang

80.000

16.661,9

21

Tôm chết do “sốc” môi trường.. bệnh gây chết tôm là đỏ thân và đốm trắng.

2

Cà Mau

266.592

236,57

0,089

Tôm chết do bị bệnh đốm trắng nguyên nhân gây bệnh do thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp…

3

Bạc Liêu

122.254

21.605

18

Do diễn biến thời tiết phức tạp làm môi trường ao nuôi biến đổi…Bệnh gây chết tôm chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng.

4

Sóc Trăng

47.896

8.092

17

Do điều kiện môi trường nước thay đổi, người dân mua con giống kém chất lượng…

5

Trà Vinh

23.986,2

4.410,8

18,4

Do một số hộ nuôi chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, thả nuôi không đúng lịch thời vụ, môi trường nước biến động…

6

Bến Tre

32.878

515,6

1,56

Nguyên nhân do công tác cải tạo ao đầm, điều kiện một số ao nuôi chưa đảm bảo, ảnh hưởng diễn biến thời tiết thất thường…

 

Tổng cộng

573.606,2

51.521,87

8,9