Công văn 8711/BTNMT-TCKTTV năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu | 8711/BTNMT-TCKTTV |
Ngày ban hành | 13/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 13/12/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký | Đỗ Đức Duy |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8711/BTNMT-TCKTTV |
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8502/VPCP-QHĐP ngày 20/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn cử tri các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế đã quan tâm và gửi ý kiến đến Bộ. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế với nội dung: “Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan làm rõ nguyên nhân gây sạt lở, lũ quét ở nhiều địa phương; thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá, xem xét phương án chi tiết cho các vùng, miền, rà soát các khu vực có nguy cơ cao, tăng cường hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai để chủ động ứng phó với các cơn bão, kịp thời thông báo đến các khu vực bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân tại khu vực này" (câu 65).
Về vấn đề cử tri kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo thể như sau:
Trong thời gian gần đây tình hình sạt lở đất, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện điều tra, khảo sát tại một số vị trí xảy ra sạt lở đất, lũ quét đồng thời thực hiện các đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Theo kết quả điều tra, khảo sát và đề tài nghiên cứu, một số nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất, lũ quét:
Về lũ quét: là lũ xảy ra bất ngờ, dòng chảy xiết thường kèm theo đất đá và bùn cát,... lên nhanh, xuống nhanh, sức tàn phá lớn, thường xảy ra ở khu vực có địa hình dốc. Lũ quét được hình thành khi một khối lượng nước rất lớn do mưa dông, mưa bão, áp thấp nhiệt đới, áp thấp hoặc do vỡ đập hoặc xả lũ khẩn cấp với lưu lượng lớn tại các khu vực có địa hình dốc, cấu trúc địa chất kém bền vững. Trong thực tế, do khai thác trái phép khoáng sản, vật liệu, các chất thải trong quá trình khai thác khoáng sản, xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng như: đất, đá, cây bị đẩy xuống khe suối tích tụ làm tắc nghẽn dòng chảy, khi mưa lớn khối vật liệu này bị nước phá vỡ đẩy xuống hạ lưu với vận tốc rất lớn tạo thành lũ quét có sức tàn phá rất nghiêm trọng.
Về sạt lở đất: là hiện tượng đất, đá bị sạt, trượt, lở do mất ổn định, thường xảy ra ở khu vực đồi, núi dốc và bờ sông, bờ biển. Vùng đồi núi với bề mặt sườn có độ dốc lớn hoặc bờ sông, suối dốc đứng, cấu trúc địa chất của tầng phủ kém ổn định, dễ xảy ra sạt lở đất do tác động của các nguyên nhân:
- Tác động của dòng chảy trên mặt sườn dốc và ở sông, suối do mưa kéo dài hoặc mưa với cường độ lớn trong thời gian nhất định.
- Mưa lũ lớn hoặc vận hành hồ chứa nước làm mực nước sông ở hạ lưu thay đổi đột ngột; mực nước ngầm thay đổi; ảnh hưởng của động đất.
- Các hoạt động của con người như: xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu quy hoạch hoặc không không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai; chặt phá rừng; khai thác khoáng sản, vật liệu trái quy định; lấn chiếm dòng chảy.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu nguyên nhân gây sạt lở đất, lũ quét và đề xuất các giải pháp phòng, tránh phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.
Về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo dự báo và cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin dự báo bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đến các cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương. Đối với các cơn bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc có khả năng đổ bộ vào đất liền, đã dự báo sát thực tế trước từ 2 - 3 ngày, dự báo tương đối chính xác trước ít nhất là 24 giờ thời điểm bão/ áp thấp nhiệt đới đổ bộ và vùng ảnh hưởng của các cơn bão/ áp thấp nhiệt đới khi ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Cường độ các cơn bão khi tiếp cận bờ biển nước ta đều được dự báo tương đối sát với thực tế xảy ra. Nội dung và hình thức các bản tin dự báo bão/ áp thấp nhiệt đới ngày càng đa dạng và được cải tiến cho phù hợp với thực tế, yêu cầu. Chất lượng dự báo bão/ áp thấp nhiệt đới trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể so với các nước trong khu vực, trên thế giới, ngày càng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão/ áp thấp nhiệt đới gây ra.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, nhằm nâng cao năng lực giám sát, mức độ chi tiết các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho các khu vực phục vụ tốt phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, cụ thể:
- Đầu tư, tự động hóa và tăng dầy các trạm quan trắc tự động cho các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai; đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung. Đẩy mạnh bổ sung thêm các trạm quan trắc tự động với các công nghệ quan trắc thế hệ mới nhất, quan trắc ra đa, vệ tinh ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác và kịp thời để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là đối với các trị số thiên tai cực đoan, bất thường và hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.
- Ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn; tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ tại địa chỉ: https://iweather.gov.vn.
- Nâng cấp và đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; tăng cường nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao độ chính xác của các công nghệ dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với các trị số cực đoan, bất thường và hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.
- Thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018) nhằm cung cấp các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai cho các địa phương làm cơ sở đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với rủi ro thiên tai cho các khu vực.
- Triển khai thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam” (Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó trọng tâm thực hiện điều tra khảo sát hiện tượng sạt lở đất, lũ quét; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng kính gửi Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế để thông tin tới cử tri. Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới./.
|
BỘ TRƯỞNG |