Công văn 8572/BNN-TT năm 2018 về chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa tại An Giang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 8572/BNN-TT |
Ngày ban hành | 02/11/2018 |
Ngày có hiệu lực | 02/11/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Lê Quốc Doanh |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8572/BNN-TT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang
Trả lời văn bản số 1318/SNN&PTNT-KHTC ngày 03/8/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang về việc cho ý kiến đối với việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Triển khai chủ trương trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 31/7/2014 phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020, trong đó dự kiến đến năm 2020 chuyển 700-800 nghìn ha gieo trồng lúa ở những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Chính sách trên đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và giảm một phần áp lực tiêu thụ lúa gạo.
Bộ Nông nghiệp và PTNT ủng hộ chủ trương của tỉnh An Giang thực hiện Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với điện gió, trong đó có nội dung triển khai chuyển đổi trồng cây cao lương trên đất nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án có kết quả tốt, tỉnh cần nghiên cứu kỹ hợp đồng triển khai dự án, kế hoạch và tiến độ thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án với Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn Xuân Thiện cung cấp cho Nhật Bản 400 triệu tấn sản phẩm sinh khối (biomass) từ cây siêu cao lương trong giai đoạn 2018-2038 cần phải phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa (Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT), kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 586/QĐ-BNN-TT ngày 12/02/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) và định hướng phát triển ngành trồng trọt của địa phương.
Hiện tại, các giống cao lương được công nhận triển khai sản xuất tại các địa phương còn hạn chế, chủ yếu được nhập khẩu hạt giống về cung cấp cho một số công ty chăn nuôi bò sữa. Ngoài mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, các mục đích sử dụng khác đối với cây cao lương chưa được thực hiện tại Việt Nam.
Vì vậy để khẳng định được việc phát triển cây cao lương trong sản xuất tại An Giang có phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao hay không, địa phương cần có các thử nghiệm về giống, đánh giá giá trị canh tác, giá trị sử dụng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai, canh tác của địa phương; hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác đang trồng đại trà; khả năng chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo mục đích sử dụng của Doanh nghiệp vì hiện tại giống cao lương đưa vào sử dụng trong dự án chưa được công nhận là giống cây trồng mới và chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cây cao lương là cây trồng cạn, việc bố trí luân canh lúa-cao lương trên đất trồng lúa cần phải thay đổi hệ thống thủy lợi nội đồng tưới tiêu cho phù hợp với đặc tính của giống, nên địa phương cần có kế hoạch cải tạo cơ sở hạ tầng tại vùng trồng theo dự án.
Trên đây là ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh An Giang, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |