Công văn 8263/BNN-TCLN năm 2016 về tăng cường quản lý trại nuôi động vật hoang dã hung dữ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 8263/BNN-TCLN |
Ngày ban hành | 30/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 30/09/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hà Công Tuấn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8263/BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2016 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian gần đây, một số cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ trên toàn quốc không đảm bảo an toàn, không thực hiện đúng các quy định về quản lý, nuôi, chăm sóc, đã đe dọa đến tính mạng, an toàn của người dân, gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, đặc biệt có một số cơ sở đã để động vật hoang dã tấn công gây thương vong cho người. Việc quản lý các cơ sở này có nơi còn buông lỏng, chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, hiện tượng vi phạm các quy định về quản lý, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
Để ngăn chặn có hiệu quả những rủi ro trong hoạt động nuôi động vật hoang dã hung dữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý các trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã, trong đó tập trung các biện pháp sau:
1. Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là đối với những loài như: voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn, bao gồm những cơ sở là vườn thú, biểu diễn xiếc; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và tịch thu các thể động vật hoang dã hung dữ của những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định.
2. Quy hoạch về gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, từng bước di dời các trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ mất an toàn cao.
3. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật hoang dã.
4. Ban hành quy định cụ thể về điều kiện nuôi các loài động vật hoang dã, trong đó có các biện pháp phòng ngừa rủi ro, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định của pháp luật; chủ động ứng phó kịp thời với tình trạng động vật tấn công người hoặc thoát khỏi môi trường có kiểm soát.
5. Hướng dẫn và yêu cầu các chủ nuôi động vật hoang dã hung dữ xây dựng, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, trong đó có quy chế đảm bảo an toàn trong hoạt động chăn nuôi các loài hoang dã hung dữ để làm cơ sở kiểm tra và yêu cầu chủ trại, những người có liên quan thực hiện. Triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.
6. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong quản lý và gây nuôi động vật hoang dã; nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn trong chăn nuôi các loài động vật hung dữ. Vận động chủ nuôi không nuôi nhốt và chuyển giao các cá thể động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm Nhóm IB, đặc biệt là các loài hung dữ về trung tâm cứu hộ, cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo hoặc tổ chức tiêu hủy nếu động vật bị ốm, mang mầm bệnh không có khả năng nuôi dưỡng lâu dài./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |