Công văn 8243/CT-TTHT năm 2016 về chính sách trích khấu hao tài sản cố định do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 8243/CT-TTHT |
Ngày ban hành | 26/08/2016 |
Ngày có hiệu lực | 26/08/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Trần Thị Lệ Nga |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 8243/CT-TTHT |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 08 năm 2016 |
Kính gửi: Công ty Liên Doanh Hải
Thành - Kotobuki
Địa chỉ: 2A - 4
A Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1
MST: 0300710949
Trả lời văn bản ngày 18/07/2016, ngày 27/07/2016 và 03/08/2016 của Công ty về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ):
+ Tại Khoản 13 và Khoản 14 Điều 2 quy định sửa chữa TSCĐ và nâng cấp TSCĐ:
“13. Sửa chữa tài sản cố định: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.
14. Nâng cấp tài sản cố định: là hoạt động cải tạo, xây lắp, trang bị bổ sung thêm cho TSCĐ nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tính năng tác dụng của TSCĐ so với mức ban đầu hoặc kéo dài thời gian sử dụng của TSCĐ; đưa vào áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của TSCĐ so với trước”
+ Tại Điều 7 quy định đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định:
“1. Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
2. Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.
Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.
…”
Trường hợp Công ty ngành nghề kinh doanh: dịch vụ khách sạn và văn phòng cho thuê theo trình bày thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hồ bơi (thay đá lát sàn xung quanh hồ, cải tạo lại pool bar, lót gỗ khu vực tắm nắng, đặt thêm 3 chòi tránh nắng) với chi phí dự kiến 867,000 USD để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của khách sạn thì chi phí Công ty chi ra có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ và thực hiện trích khấu hao tính vào chi phí được trừ theo quy định.
Trường hợp Công ty năm 2016 có phát sinh khoản chi phí sửa chữa TSCĐ như: chống thấm sân thượng sàn mái, lót thảm cỏ nhân tạo tại khu vực hành lang của các tầng (lầu) trong khách sạn có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm, do đó việc Công ty dự kiến phân bổ hết vào chi phí sản xuất kinh doanh 2016 là phù hợp với quy định.
Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |