Công văn 7982/BTC-NSNN hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận tài sản và nguồn tài chính nhà nước ở địa phương đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và địa phương có liên quan do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 7982/BTC-NSNN |
Ngày ban hành | 09/07/2008 |
Ngày có hiệu lực | 09/07/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Nguyễn Công Nghiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7982/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2008 |
Kính gửi: |
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; |
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về việc bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước ở các địa phương thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính như sau:
A. Yêu cầu chung:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là “các tỉnh”) thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 có trách nhiệm chỉ đạo các sở và các đơn vị ở địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính; thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do điều chỉnh địa giới hành chính; trong đó có nhiệm vụ bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của địa phương. Việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính được xác định tại thời điểm 31/7/2008.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính có trách nhiệm lập phương án bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của địa phương và từng cơ quan, từng đơn vị. Phương án bàn giao tài sản và các nguồn tài chính nhà nước phải được bàn bạc tập thể, đảm bảo thống nhất phương thức thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của địa phương để sau khi điều chỉnh địa giới hành chính mọi hoạt động kinh tế - xã hội của các cơ quan đơn vị, các tỉnh ổn định, không bị xáo trộn và giữ được sự đoàn kết, nhất trí.
3. Từng cơ quan, đơn vị (bao gồm các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn) theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm kê tài sản theo chế độ quy định, lập đầy đủ hồ sơ về tài sản, các nguồn tài chính nhà nước trước khi điều chỉnh địa giới hành chính; đối chiếu với kết quả đã kiểm kê tại thời điểm gần nhất trước đó để xác định tài sản, tiền vốn, ... thừa, thiếu và xác định trách nhiệm để xử lý dứt điểm trước thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính. Khi bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính giữa các bên (kể cả các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có). Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, tiền vốn nhà nước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính.
B. Những quy định cụ thể:
I. Đối với tài sản và tiền vốn trong các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý:
Các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý đóng trên địa bàn thuộc địa giới hành chính của tỉnh, huyện, xã nay điều chỉnh địa giới hành chính về thành phố Hà Nội thực hiện bàn giao nguyên trạng doanh nghiệp, bao gồm toàn bộ tài sản, tiền vốn, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh không phải điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng có đơn vị phụ thuộc đóng trên địa bàn huyện, xã phải điều chỉnh địa giới hành chính về thành phố Hà Nội thì không phải bàn giao đơn vị phụ thuộc.
Các doanh nghiệp nhà nước cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ công ích, công ty xổ số kiến thiết thực hiện bàn giao nguyên trạng; trường hợp được hợp nhất, sáp nhập theo quyết định của cấp có thẩm quyền, khi bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính đối với doanh nghiệp này thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cố định, vốn cố định; tài sản lưu động và vốn lưu động; công nợ của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công ích có trụ sở đóng trên địa bàn không phải điều chỉnh địa giới hành chính nhưng hoạt động cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn điều chỉnh địa giới hành chính thì thực hiện bàn giao toàn bộ tài sản và nguồn tài chính cho đơn vị thuộc thành phố Hà Nội (mới) tiếp nhận quản lý.
II. Đối với tài sản và các nguồn vốn tài chính trong khu vực hành chính sự nghiệp do địa phương quản lý:
1. Tài sản và các nguồn tài chính nhà nước trong các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp do các huyện, xã quản lý giữ nguyên hiện trạng không phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận. Tài sản và các nguồn tài chính nhà nước trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của huyện, xã thuộc tỉnh nào sau khi điều chỉnh địa giới hành chính tiếp tục giao cho huyện, xã đó quản lý.
2. Tài sản và các nguồn tài chính nhà nước trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp do cấp tỉnh quản lý, bàn giao và tiếp nhận theo nguyên tắc:
Bàn giao toàn bộ tài sản và các nguồn tài chính nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cho cơ quan được tiếp nhận theo nguyên tắc thực hiện kiểm kê tài sản, đối chiếu giá trị tài sản trên sổ sách, đảm bảo khớp đúng; lập báo cáo kiểm kê tài sản; trường hợp có chênh lệch phải xử lý chênh lệch trước khi bàn giao; đồng thời đảm bảo các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoạt động bình thường ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ trưởng đơn vị mới có trách nhiệm, bố trí sử dụng theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành; đối với tài sản dôi dư, lập phương án để trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo đúng chế độ quy định. Việc bàn giao tài sản và các nguồn tài chính, công nợ cần thảo luận thống nhất theo nguyên tắc cơ quan nhận bàn giao tài sản được hình thành từ công nợ thì có trách nhiệm nhận nợ.
3. Căn cứ tài sản, vật tư, tiền vốn, ... đã được bàn giao, tiếp nhận, cơ quan, đơn vị nhận bàn giao, tiếp nhận có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi tài sản, tiền vốn của cơ quan, đơn vị mình theo đúng chế độ quản lý tài sản, tiền vốn nhà nước theo quy định.
III. Bàn giao, tiếp nhận công tác quản lý NSNN:
1. Về công tác quyết toán NSNN năm 2007:
Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan về điều chỉnh địa giới hành chính chỉ đạo cơ quan tài chính phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc nhà nước và các ban, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp quyết toán ngân sách năm 2007 để báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2007 trước thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính.
2. Về dự toán thu, chi NSNN năm 2008:
2.1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây:
a) Dự toán thu, chi cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội (mới) năm 2008 được tổng hợp toàn bộ dự toán thu, chi ngân sách năm 2008 trên địa bàn huyện Mê Linh, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và nhiệm vụ thu, chi ngân sách của tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trên cơ sở đó, xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo chế độ quy định và Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội.
b) Ngân sách trung ương tiếp tục bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hà Nội (mới) theo dự toán điều chỉnh năm 2008 được Thủ tướng Chính phủ giao.
c) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây tiếp nhận toàn bộ nguồn kinh phí ủy quyền năm 2008 đã được cấp có thẩm quyền giao. Các Bộ, ngành trung ương thực hiện cấp kinh phí ủy quyền cho các tỉnh theo địa giới hành chính mới.
d) Mọi nhiệm vụ chi của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tiếp nhận về Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính do ngân sách thành phố Hà Nội (mới) đảm bảo.
2.2. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình điều chỉnh giảm tương ứng đối với dự toán thu, chi ngân sách năm 2008 trên địa bàn huyện Mê Linh, 4 xã của tỉnh Hòa Bình đã được cấp có thẩm quyền quyết định.