Công văn 794/TS-KHĐT của Bộ Thủy sản về việc kiểm soát thức ăn, hoá chất, chất tẩy rửa nhập khẩu vào Việt Nam
Số hiệu | 794/TS-KHĐT |
Ngày ban hành | 02/04/2002 |
Ngày có hiệu lực | 02/04/2002 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Thuỷ sản |
Người ký | Nguyễn Thị Hồng Minh |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ THUỶ SẢN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 794/TS-KHĐT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 794/TS-KHĐT NGÀY 2 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC KIỂM SOÁT THỨC ĂN, HOÁ CHẤT, CHẤT TẨY RỬA NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM
Kính gửi: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố
Ngày 25/2/2002 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 07/2002 CT-TTg về việc tăng cường quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật. Bộ Thuỷ sản đang cùng các Bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Tuy nhiên EU vẫn tiếp tục phát hiện có choloramphenicol và ngoài ra còn phát hiện nitrofuran trong các lô hàng thuỷ sản Việt Nam. Ngày 19/3/2002 EU công bố tiếp tục thực hiện kiểm tra 100% các lô tôm xuất khẩu của Việt Nam và đã thông báo, nếu trong 4-6 tuần tới, hàng thuỷ sản Việt Nam vẫn bị phát hiện nhiễm choloramphenicol, nitrofuran và các chất kháng sinh bị cấm khác thì EU sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn hàng thuỷ sản của Việt Nam. Những nguyên nhân được xác định là do có sử dụng choloramphenicol trong thức ăn, thuốc thú y và chất tẩy rửa, chất bảo quản, đặc biệt là sử dụng trong bảo quản tại các tàu đánh cá dài ngày. Trung Quốc đã bị cấm xuất khẩu thuỷ sản và động vật trên cạn vào EU do thức ăn động vật của Trung Quốc có nhiễm choloramphenicol. Nhiều thông tin cho thấy hiện nay đang có nhiều loại thức ăn, thuốc, chất khử trùng trên thị trường được nhập lậu qua biên giới các nước, đặc biệt là qua biên giới với Trung Quốc.
Bộ Thủy sản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) tăng cường chỉ đạo việc kiểm soát các loại thức ăn cho động vật và thuỷ sản được nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam; phối hợp kiểm tra từ gốc, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng thức ăn, hoá chất, chất tẩy rửa khử trùng trên thị trường; không cho phép các cửa hàng bán thức ăn, thuốc sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản được bán các loại hoá chất, kháng sinh bị cấm. Tăng cường năng lực cho các Trung tâm khuyến ngư để cấp tốc phổ biến cho ngư dân các quy định của Nhà nước về kháng sinh bị cấm sử dụng. Nếu phát hiện có sự vi phạm đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xử phạt, tịch thu và tiêu huỷ theo thẩm quyền nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/2002 CT-TTg ngày 25/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 01/2002/QĐ-BTS ngày 22/1/2002 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc cấm sử dụng một số hoá chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và giữ vững uy tín sản phẩm của ta trên thị trường quốc tế.
|
Nguyễn Thị Hồng Minh (Đã ký) |