Công văn 741/YDCT-QLD năm 2020 về chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật do Cục Quản lý Y, dược cổ truyền ban hành

Số hiệu 741/YDCT-QLD
Ngày ban hành 06/10/2020
Ngày có hiệu lực 06/10/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền
Người ký Nguyễn Thế Thịnh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ Y TẾ
CỤC QUẢN LÝ
Y, DƯỢC CỔ TRUYỀN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 741/YDCT-QLD
V/v chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Tổng Cục Hải quan

Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, dược cổ truyền) có nhận được công văn số 10217/BTC-TCHQ ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Bộ Tài Chính về việc gửi xin ý kiến về chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền có ý kiến như sau:

Hiện nay, theo thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, tình hình xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán dược liệu đang diễn ra rất phức tạp. Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của dược liệu. Hiện nay, rất nhiều loại dược liệu thường dùng làm thuốc như Thảo quyết minh, Bán chi liên, Hà thủ ô đỏ, Cẩu tích,... được nhập khẩu, xuất khẩu không cần giấy phép của Bộ Y tế và khai báo chủ yếu dưới dạng nông sản, thực phẩm.

Căn cứ vào quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Thông tư 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì các mặt hàng nêu trên thuộc danh mục của TT 48/2018/TT-BYT có mục đích sử dụng làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ phải tuân thủ các quy định lĩnh vực dược.

Căn cứ vào Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì các mặt hàng được sử dụng cho mục đích làm thực phẩm thì phải tuân thủ các quy định về thực phẩm.

Vì vậy, cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành trong quản lý các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật như Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế trong đó tập trung về phương thức quản lý gồm khai báo hải quan, mục đích sử dụng, công tác hậu kiểm, sử dụng hệ thống khai báo thông tin và nhiều biện pháp khác để kiểm soát các sản phẩm này. Vì vậy, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cơ bản thống nhất với ý kiến của Bộ Tài Chính về chính sách nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật: đối với mặt hàng chủ yếu được sử dụng làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì áp dụng theo quy định về dược; đối với mặt hàng chủ yếu làm thực phẩm thông thường thì áp dụng theo quy định đối với thực phẩm và nông nghiệp; đối với những mặt hàng giáp ranh có thể sử dụng ở cả lĩnh vực dược, thực phẩm và nông nghiệp thì cần quy định rõ cách thức doanh nghiệp khai báo khi thông quan trên cơ sở cam kết mục đích sử dụng của doanh nghiệp nhập khẩu.

Trên đây là ý kiến của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền - Bộ Y tế gửi Quý Tổng Cục để phối hợp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NN và PTNT (để p/h thực hiện);
- QBT Nguyễn Thanh Long (để b/c);
- TT Nguyễn Trường Sơn (để b/c);
- TT Trương Quốc Cường (để b/c);
- Cục ATTP, Cục QLD, Vụ Pháp Chế (để p/h);
- Lưu: VT, QLD.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thế Thịnh