Công văn 7353/BKHĐT-QLĐT năm 2019 hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 7353/BKHĐT-QLĐT
Ngày ban hành 08/10/2019
Ngày có hiệu lực 08/10/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Đăng Trương
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7353/BKHĐT-QLĐT
V/v hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư xây dựng Nguyên Phong

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 8674/VPCP-ĐMDN ngày 25/9/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc giải đáp kiến nghị của Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư xây dựng Nguyên Phong. Sau khi nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến trả lời Quý Công ty như sau:

Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điều 62 khoản 1 điểm a và điểm b) quy định hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng; khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đối với trường hợp nêu trong văn bản của Quý Công ty, nếu gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng trọn gói thi giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu và giá dự thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên. Theo đó, giá ký kết hợp đồng phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá và tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng.

Ngoài ra, chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu đề xác định mức chi phí dự phòng cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá cho phù hợp. Trường hợp đối với các gói thầu đã xác định chính xác số lượng, khối lượng công việc và có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn thì có thể áp dụng mức chi phí dự phòng thấp hoặc bằng không trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định về cách xác định chi phí dự phòng.

Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở các thông tin được cung cấp tại văn bản 8674/VPCP-ĐMDN ngày 25/9/2019 của Văn phòng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên (Phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Lưu: VT, Cục QLĐT (H.6).

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU




Nguyễn Đăng Trương