Công văn 7186/TCHQ-TXNK năm 2013 phân loại đối với mặt hàng ghế chơi đàn piano nhập khẩu cùng đàn do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 7186/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 26/11/2013
Ngày có hiệu lực 26/11/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7186/TCHQ-TXNK
V/v phân loại đối với mặt hàng ghế chơi đàn piano nhập khẩu cùng đàn

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2013

 

Kính gửi: Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính.

Trong thời gian qua Tổng cục Hải quan nhận được đề nghị của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc vướng mắc về chính sách và mã số đối với mặt hàng ghế đẩu dùng ngồi chơi đàn piano nhập khẩu cùng đàn piano. Cụ thể như sau:

Công ty TNHH TM Việt Thanh đăng ký tờ khai số 9771/NKD01 ngày 08/05/2013 nhập khẩu 15 bộ đàn piano các loại đã qua sử dụng, không dùng điện, xuất xứ Nhật Bản (1 bộ đàn gồm: 1 đàn piano và ghế đẩu ngồi chơi đàn piano) – Mã số khai báo: 9201.10.00. Hiện nay tồn tại 02 quan điểm phân loại: phân loại theo bộ sản phẩm hoặc phân loại rời không theo bộ sản phẩm.

Xét phân loại theo bộ sản phẩm, theo qui tắc 3(b) quy định cho hàng hóa xác định mặt hàng nhập khẩu ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, yêu cầu thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Phải có ít nhất hai loại hàng hóa khác nhau, mà ngay từ ban đầu thoạt nhìn có thể xếp vào nhiều nhóm hàng khác nhau.

b) Gồm những sản phẩm hoặc hàng hóa được xếp đặt cùng nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định hoặc để thực hiện một chức năng xác định; và

c) Được sắp xếp một cách thích hợp để bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói tiếp (ví dụ: đóng gói trong hộp, tráp, hòm)

Đối chiếu với quy tắc 3b nêu trên có 2 quan điểm trong phân loại đàn và ghế piano như sau:

1. Quan điểm 1, đáp ứng quy tắc 3b do:

a) Có 2 loại hàng hóa, xếp vào 2 nhóm là 92.01 và 94.05

b) Có thể xếp đặt cùng nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định hoặc thực hiện một chức năng nhất định (không phải là quy định chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cùng nhau)

Xét chú giải chi tiết (e) nhóm 92.09: Bộ phận của đàn: loại trừ ghế đẩu dùng cho đàn piano (nhóm 94.01). Như vậy, ghế đẩu dùng cho đàn piano là một loại đặc thù, đã được nêu trong chú giải chi tiết, thể hiện tính chất thiết kế đi cùng nhau của ghế và đàn piano, không phải là loại ghế đẩu chung chung và không phải là bộ phận của đàn piano. Ghế và đàn piano đi cùng nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định là dùng khi chơi đàn piano.

Do tên của mặt hàng trong chú giải chi tiết là “ghế dùng cho đàn piano” đã thể hiện việc đáp ứng tiêu chí này.

c) Đàn và ghế không đóng trong cùng một thùng, hộp nhưng được xếp đặt cùng nhau và được bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói lại

Do vậy trường hợp đàn và ghế dùng cho đàn piano cùng model, cùng nhà sản xuất thì đáp ứng quy tắc 3b và phân loại theo đàn piano, thuộc nhóm 92.01.

2. Quan điểm 2, không đáp ứng quy tắc 3b do:

- Không thỏa mãn điểm b) do ghế dùng cho đàn piano có thể dùng như ghế bình thường. Ghế không nhất thiết phải đi kèm với đàn và ngược lại, khi mua hàng cũng không nhất thiết phải mua cả ghế.

- Không thỏa mãn điểm c) do không được đóng trong cùng một hộp, thùng. Do vậy phân loại riêng, đàn thuộc nhóm 92.01, ghế thuộc nhóm 94.05

Hiện Tổng cục Hải quan vẫn tồn tại 2 quan điểm như trên.

3. Về Chính sách mặt hàng:

Căn cứ Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 06/4/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) thì mặt hàng ghế ngồi dùng chơi đàn piano – nhóm 94.01 thuộc Danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Như vậy nếu thực hiện theo quan điểm 1 thì sẽ phát sinh việc truy thu hoặc truy hoàn, nhưng phát sinh này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do xét về mặt giá trị của ghế so với đàn là rất nhỏ; tuy nhiên nếu áp dụng theo các quy định tại Thông tư số 04/2006/TT-BTM thì sẽ xảy ra 2 tình huống trong trường hợp này: a) Nếu ghế và đàn nhập khẩu đã qua sử dụng và đã được thông quan, doanh nghiệp đã bán hết hàng thì việc kiểm tra lại các mặt hàng ghế cấm nhập khẩu và xử lý các mặt hàng ghế này thế nào ? b) Nếu ghế và đàn chưa thông quan, đang lưu kho thì đàn được phép nhập khẩu, ghế không được phép nhập khẩu.

Trường hợp thực hiện theo quan điểm 2 thì cơ bản không phát sinh việc truy thu, truy hoàn hoặc tái xuất do số liệu XNK trên GTT01 hiện chấp nhận khai báo theo nhóm 92.01. Tuy nhiên căn cứ Thông tư số 04/2006/TT-BTM thì mặt hàng ghế ngồi – nhóm 94.01 thuộc danh mục hàng tiêu dùng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, do vậy nếu phân loại vào nhóm 92.01 thì mặt hàng ghế sẽ không bị cấm nhập khẩu. Như vậy có vi phạm Thông tư 04 hay không ? Về việc này Tổng cục Hải quan dự kiến có công văn trao đổi với Bộ Công Thương.

Để thống nhất về quan điểm phân loại và chính sách mặt hàng đối với mặt hàng này, Tổng cục Hải quan đề nghị Vụ Pháp chế có ý kiến về phân loại và chính sách mặt hàng đối với mặt hàng nhập khẩu trên. (Xin được nhận lại ý kiến của Vụ Chính sách Thuế trước ngày 29/11/2013).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TXNK (3b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường