Công văn số 6742/BGDĐT-CTHSSV về việc triển khai “Tháng An toàn giao thông” và công tác giáo dục an toàn giao thông năm học 2009-2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 6742/BGDĐT-CTHSSV
Ngày ban hành 07/08/2009
Ngày có hiệu lực 07/08/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 6742/BGDĐT-CTHSSV
V/v: Triển khai “Tháng ATGT” và công tác GDATGT năm học 2009-2010

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo
- Các đại học, học viện
- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

 

Thực hiện Kế hoạch số 238/UBATGTQG ngày 15/7/2009 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về hoạt động tháng an toàn giao thông – Tháng 9 năm 2009 và ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị về công tác bảo đảm trật tư an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2009 tại Thông báo số 243/TB-UBATGTQG của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp triển khai thực hiện một số nội dung sau:

I. TRIỂN KHAI THÁNG AN TOÀN GIAO THÔNG- THÁNG 9 NĂM 2009

1. Xây dựng kế hoạch hoạt động Tháng An toàn giao thông với chủ đề trọng tâm: “Tháng Văn hóa giao thông”. Tùy điều kiện từng địa phương, từng trường để tổ chức lễ phát động, ra quân hưởng ứng Tháng an toàn giao thông vào tuần đầu tháng 9/2009; tích cực phối hợp cùng các ban, ngành chức năng trên địa bàn trong việc triển khai Tháng an toàn giao thông năm 2009 để đạt được mục tiêu là:

- Tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của mọi tầng lớp nhân dân. Lấy đó làm cơ sở để từng bước hình thành “Văn hóa giao thông” cho mọi người khi tham gia giao thông.

- Giảm tai nạn giao thông so với 8 tháng đầu năm 2009 và so với tháng 9 năm 2008.

2. Tùy từng lứa tuổi, bậc học, tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tiêu chí “Văn hóa giao thông” theo nội dung sau:

a) Tiêu chí “Văn hóa giao thông”

- Hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

- Khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác;

- Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông, chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.

b) Một số hành vi thể hiện Văn hóa giao thông đối với học sinh, sinh viên

- Đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ; dừng đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thắt dây an toàn khi lái xe và ngồi ghế phía trước ô tô;

- Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

- Điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

- Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường;

- Không thực hiện các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy; sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán hàng hóa; rải đinh trên đường; ném đất, đá lên tàu hỏa; xả rác, nước thải ra đường...;

- Thực hiện các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng;

- Tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn; giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi;

c) Khẩu hiệu phục vụ tuyên truyền

- Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông.

- Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.

- Đi đúng làn đường, phần đường quy định khi tham gia giao thông.

- Đi bộ và sang đường đúng nơi quy định.

3. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Tháng An toàn giao thông, gửi báo cáo kèm kế hoạch hoạt động về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 3/10/2009 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.

II. TRIỂN KHAI CÔNG TÁC GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HSSV TRONG NĂM HỌC 2009-2010

1. Xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong năm học 2009-2010 trên cơ sở Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; Cuộc vận động của Bộ trưởng: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”; Kế hoạch liên tịch số 9337/KHLT/BGDĐT-BCA- BGTVT -TWĐTN-ĐTHVN ngày 4/9/2007 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên và Đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên theo chủ đề năm 2009 tại Quyết định số 3442/QĐ-BGDĐT ngày 12/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[...]