Công văn 6561/BKHĐT-TH năm 2016 triển khai Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn và Nghị quyết 60/NQ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 6561/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 23/08/2016
Ngày có hiệu lực 23/08/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6561/BKHĐT-TH
V/v triển khai Luật Đầu tư công, các NĐ hướng dẫn và NQ số 60/NQ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2016

 

Kính gửi: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được một số ý kiến của các địa phương về việc triển khai Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Về đề nghị ủy quyền cho các tỉnh, thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A

a) Về đề nghị ủy quyền cho các thành phố lớn quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công.

Luật Đầu tư công không cho phép cấp quyết định chủ trương đầu tư ủy quyền cho cấp dưới quyết định chủ trương các chương trình, dự án đầu tư công.

b) Về đề nghị ủy quyền cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, không làm thay đổi kiến trúc di tích gốc

Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về tiêu chí dự án, công trình quan trọng đầu tư tại Việt Nam, quy định các dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt,… không phân biệt tổng mức đầu tư đều thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Khi nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư công, Chính phủ nhận thấy việc áp dụng quy định trên đây, cho các dự án quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư thấp là chưa phù hợp, nên đã đề nghị không đưa các dự án này vào nhóm các dự án quan

trọng quốc gia, mà thực hiện phân loại bình thường theo nhóm dự án A, B, C như các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, do các dự án này đang thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, việc đầu tư các dự án nhóm này còn chịu sự Điều chỉnh của Luật di sản văn hóa, nên Quốc hội chỉ đồng ý giảm từ dự án quan trọng quốc gia xuống dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

2. Về đề nghị sửa Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 trong đó chỉ thực hiện công tác thẩm định nội bộ đối với các dự án yêu cầu triển khai thiết kế từ 2 bước (dự án đầu tư) trở lên, các dự án nhỏ tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ nên bỏ qua bước thẩm định nội bộ.

Việc thẩm định nội bộ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thẩm định nội bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công được quy định trong Luật Đầu tư công. Do đó, thẩm quyền sửa đổi các quy định này do Quốc hội quyết định. Việc thẩm định nội bộ dự án tại khâu này là rất cần thiết để bảo đảm cơ quan đề xuất dự án cân nhắc kỹ lưỡng về Mục đích, quy mô, hiệu quả và khả năng cân đối vốn. Qua đó mà ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

3. Về đề nghị xem xét bỏ qua bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng

Theo quy định của Luật Đầu tư công tất cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công đều phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Việc bãi bỏ các quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ không được phép sửa đổi quy định đã được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, để giảm bớt các thủ tục, nhưng vẫn thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công, Chính phủ đã có hướng dẫn quy trình rút gọn đối với các dự án có quy mô nhỏ của các chương trình Mục tiêu quốc gia có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp; các dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng của các chương trình Mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non. Theo đó, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được lập cho toàn bộ danh Mục dự án (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ danh Mục.

4. Về đề nghị bổ sung thêm các quy định về quản lý dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng

Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Chương IV Nghị định số 136/2015/NĐ-CP. Việc tổ chức quản lý dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng được quy định tại Điều 45 của Nghị định này. Theo đó, quy định thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức quản lý dự án đối với các đối tượng dự án khác nhau, bảo đảm thực hiện Mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt.

Số lượng dự án không có cấu phần xây dựng không có nhiều, nhưng khá đa dạng, tập trung ở các nhóm dự án về công nghệ thông tin, mua sắm trang thiết bị, tài sản,…, với tổng mức đầu tư thường không lớn, nên không thể quy định hình thức quản lý dự án chung, mà tùy thuộc vào đặc Điểm, tính chất, quy mô của dự án để lựa chọn hình thức quản lý dự án cụ thể. Ví dụ: dự án công nghệ thông tin thực hiện trong thời gian dài có thể cần ban quản lý dự án, nhưng các dự án mua sắm trang thiết bị chỉ thực hiện tại thời Điểm mua sắm, có thể không cần có ban quản lý dự án.

5. Về đề nghị sửa quy định tại Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ, cho phép tiếp tục giải ngân vốn ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm trước kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau không cần thủ tục kiểm soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, mà giao Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm giải ngân trong hạn mức kế hoạch giao.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 76 của Luật Đầu tư công: “Đối với dự án sử dụng vốn NSNN, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn”.

Theo quy định nêu trên, tất cả các dự án nếu chưa giải ngân hết kế hoạch năm trước, có nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau đều được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán. Quy định nêu trên giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các dự án gặp khó khăn khi triển khai kế hoạch và là căn cứ để Quốc hội cho phép chuyển nguồn số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm này sang năm sau.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật NSNN, dự toán NSNN phải được quyết toán từng năm. Đồng thời, về quản lý đầu tư, cũng phải nắm bắt được tình hình triển khai, tiến độ giải ngân, tổng hợp báo cáo Chính phủ và làm căn cứ để bố trí vốn cho dự án năm tiếp theo. Để phù hợp với quy định của Luật NSNN và yêu cầu tăng cường quản lý vốn đầu tư công nêu trên tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định quy trình và thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư hằng năm vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Do đó, các bộ, ngành trung ương và địa phương phải báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm, danh Mục dự án chưa giải ngân hết kế hoạch, cần kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau. Sau khi có đề xuất của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thông báo cho các bộ, ngành trung ương và địa phương danh Mục dự án được kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau.

6. Về đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương các dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng

Thẩm quyền thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đã được quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công. Khi xây dựng Luật Đầu tư công, Chính phủ đã đề xuất giao cho địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề nghị nêu trên đã không được Quốc hội chấp nhận, cho rằng nếu thực hiện quy định này sẽ dẫn tới tình trạng dàn trải, thiếu tập trung trước kia. Do đó, đề nghị địa phương thực hiện đúng quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nhưng cho phép thực hiện theo quy trình rút gọn, lập và thẩm định cho toàn bộ danh Mục dự án (không lập và thẩm định từng dự án cụ thể) đối với các dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng.

7. Về đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương tự quyết định bố trí vốn kế hoạch năm 2016 để khởi công mới các dự án quyết định đầu tư sau ngày 31 tháng 3 năm 2016 có tính chất cấp thiết, giải quyết kiến nghị cử tri.

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, một trong các Điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch.

Riêng năm 2016, do các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai nhiều Luật mới, như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng,…, nên Chính phủ đã cho phép các bộ, ngành, địa phương được bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 cho các dự án khởi công mới có quyết định đầu tư đến ngày 31 tháng 3 năm 2016 (Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ). Đến nay, do các chương trình Mục tiêu quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thiếu các hướng dẫn cụ thể, nên tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8 tháng 7 năm 2016 Chính phủ quy định:  “(1) Được phép bố trí vốn kế hoạch năm 2016 đối với các dự án thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia, các dự án được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non huyện 30a, các dự án giao thông sử dụng vốn còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đến ngày 31 tháng 8 năm 2016 hoàn thành các thủ tục đầu tư.

 (2) Ngoài các dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn kế hoạch năm 2016 đối với một số dự án phê duyệt quyết định đầu tư sau ngày 31 tháng 3 năm 2016.”

Như vậy, ngoài các dự án quy định tại Tiết (1) nêu trên, các dự án khác quyết định đầu tư sau ngày 31 tháng 3 năm 2016, địa phương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép, mới được bố trí vốn kế hoạch năm 2016.

[...]