Công văn 649/BHXH-TCCB hướng dẫn thực hiện kế hoạch biên chế và tổ chức thi tuyển viên chức năm 2011 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 649/BHXH-TCCB
Ngày ban hành 24/02/2011
Ngày có hiệu lực 24/02/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Lê Bạch Hồng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 649/BHXH-TCCB
V/v hướng dẫn thực hiện kế hoạch biên chế và tổ chức thi tuyển viên chức năm 2011

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2011

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 29/1/2011, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-BHXH về việc giao biên chế công chức, biên chế viên chức và lao động hợp đồng năm 2011 cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh).

Để các tỉnh triển khai phân bổ biên chế cho các đơn vị trực thuộc và tổ chức thi tuyển viên chức trong ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn một số nội dung sau:

I. VỀ KẾ HOẠCH BIÊN CHẾ GIAO NĂM 2011:

Trên cơ sở biên chế giao tháng 4/2008 và tình hình thực hiện biên chế đến ngày 30/9/2010 của các tỉnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam điều chỉnh, giao bổ sung biên chế theo cơ cấu về lĩnh vực công tác, số lượng các đơn vị trực thuộc, đặc điểm vùng miền và khối lượng nhiệm vụ được giao, cụ thể:

1. Số lượng và cơ cấu biên chế giao:

a) Số lượng: Tổng biên chế giao năm 2011 cho các tỉnh bao gồm biên chế giao tháng 4/2008 và biên chế giao bổ sung tháng 02/2011.

b) Về cơ cấu: Biên chế giao tháng 02/2011 cho các tỉnh được bổ sung theo cơ cấu cứng cho các lĩnh vực công tác sau:

- Bổ sung cho công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

- Bổ sung cho công tác giám định bảo hiểm y tế;

- Bổ sung cho các lĩnh vực công tác khác.

Biên chế bổ sung cho công tác thu và giám định bảo hiểm y tế được giao tách riêng. Biên chế bổ sung cho công tác tuyên truyền, kiểm tra và Bảo hiểm xã hội huyện thành lập mới được giao trong mục “biên chế làm công tác khác” tại phụ lục đính kèm Quyết định số 117/QĐ-BHXH:

- Công tác tuyên truyền: Mỗi tỉnh được bổ sung 01 biên chế chuyên trách (riêng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai được giao 02 biên chế chuyên trách làm công tác tuyên truyền). Tỉnh nào đã có cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền có thể bố trí biên chế này cho các lĩnh vực công tác khác.

- Công tác kiểm tra: Tại Công văn số 3147/BHXH-KT ngày 03/9/2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác định cơ cấu biên chế tối thiểu thực hiện công tác kiểm tra của mỗi tỉnh. Tuy nhiên, nhiều tỉnh chưa bố trí đủ cán bộ làm công tác kiểm tra theo cơ cấu tối thiểu. Do đó, biên chế bổ sung làm công tác kiểm tra cho các tỉnh tương ứng với số lượng còn thiếu so với cơ cấu được giao.

- Đối với Bảo hiểm xã hội cấp huyện: Từ năm 2008 đến nay do việc thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Chính phủ, một số tỉnh phát sinh tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện nhưng chưa được giao bổ sung biên chế. Vì vậy, trong Quyết định 117/QĐ-BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát số lượng đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện được thành lập mới từ năm 2008 đến nay của từng tỉnh và giao bổ sung theo định mức tối thiểu 7 biên chế/1 đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện.

- Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm tình hình của tỉnh để bố trí biên chế bổ sung cho các lĩnh vực công tác khác như: tổ chức - hành chính, quản lý tài chính, chi trả, giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, công nghệ thông tin, tiếp nhận hồ sơ … các tỉnh căn cứ số lượng biên chế được giao để phân bổ biên chế bổ sung phù hợp cho các đơn vị trực thuộc và lĩnh vực công tác.

c) Về biên chế công chức, biên chế viên chức:

Biên chế công chức và biên chế viên chức của các tỉnh tạm thời được xác định như sau:

- Biên chế công chức: Bao gồm Giám đốc, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Biên chế viên chức: Bao gồm cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các phòng chức năng và Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Biên chế làm công tác lái xe đã được giao và quản lý trong biên chế khung của các tỉnh nên trong Quyết định 117/QĐ-BHXH, biên chế làm công tác lái xe tiếp tục được giao và quản lý trong nội dung biên chế viên chức. Đối với những tỉnh đang quản lý lái xe cơ quan ngoài biên chế khung được giao tháng 4/2008, yêu cầu đưa vào quản lý trong nội dung biên chế viên chức để phù hợp với số lượng biên chế được giao theo Quyết định số 117/QĐ-BHXH.

d) Về chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ:

Trước đây, việc sử dụng lao động làm công tác bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh chủ yếu được các tỉnh thực hiện dưới hình thức hợp đồng thuê khoán theo mùa vụ. Người lao động được trả tiền công nhưng phần lớn không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Khắc phục tình trạng trên, ngày 30/6/2010, trong Quyết định số 1012/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số quy định về phân cấp và chế độ quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức ban hành kèm theo Quyết định số 4856/QĐ-BHXH ngày 21/10/2008, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định cơ cấu lao động hợp đồng làm công tác bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh cho các tỉnh và chế độ quản lý đối với lao động hợp đồng làm các công tác này.

Căn cứ cơ cấu đã được phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao cụ thể biên chế làm công tác bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh của từng tỉnh theo số lượng chi tiết trong mục “LĐHĐ theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP” của phụ lục đính kèm Quyết định số 117/QĐ-BHXH.

2. Phân bổ biên chế và xây dựng kế hoạch tuyển dụng:

a) Phân bổ biên chế:

- Căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, các tỉnh phân bổ đúng số chỉ tiêu biên chế giao cho công tác thu, công tác giám định bảo hiểm y tế, công tác kiểm tra, công tác tuyên truyền và Bảo hiểm xã hội cấp huyện.

[...]