Công văn 6255/TCHQ-PC năm 2021 thực hiện Nghị định 118/2021/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 6255/TCHQ-PC |
Ngày ban hành | 31/12/2021 |
Ngày có hiệu lực | 31/12/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Mai Xuân Thành |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6255/TCHQ-PC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; |
Ngày 23/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ. Nghị định 118/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP (chi tiết theo Phụ lục kèm theo công văn này).
Để triển khai thực hiện Nghị định 118/2021/NĐ-CP kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu:
1. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức trong đơn vị nghiên cứu kỹ và triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
2. Công khai, tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Nghị định 118/2021/NĐ-CP cho người khai hải quan, người nộp thuế biết, thực hiện.
3. Về việc sử dụng các mẫu Biên bản, Quyết định và Thông báo sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan:
- Sử dụng các mẫu biên bản và quyết định được ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP thay cho các mẫu biên bản và quyết định ban hành kèm theo Thông tư 90/2020/TT-BTC ngày 11/11/2020 của Bộ Tài chính.
- Đối với các mẫu biên bản, quyết định và mẫu thông báo được ban hành kèm theo Thông tư 90/2020/TT-BTC mà không có trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo Thông tư 90/2020/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
MỘT SỐ
ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2021/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2021
(Ban hành kèm theo công văn số 6255/TCHQ-PC ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Tổng
cục Hải quan)
1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP:
- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
- Xử phạt Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong/ngoài phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công chấp thuận của pháp nhân, tổ chức (khoản 4 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
- Áp dụng mức phạt tiền đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình vi phạm hành chính (khoản 5 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
2. Áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính:
- Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực mà không xác định được nghị định để áp dụng theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 2 Điều 7 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
- Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, đang thực hiện; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả và sự kiện bất khả kháng (Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
- Áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP), gồm một số nội dung mới như: nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (khoản 1 Điều 9); thẩm quyền tịch thu, tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 65 và khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 8, 9, 10 Điều 9)...
3. Giao quyền xử phạt (Điều 10 Nghị định 118/2021/NĐ-CP) với các nội dung: giao quyền trong áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; giao quyền trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt của cấp trưởng trong thời gian giao quyền cho cấp phó (khoản 3 Điều 10); các trường hợp chấm dứt việc giao quyền xử phạt (khoản 4 Điều 10).
4. Lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP), gồm một số nội dung:
- Lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp: (i) hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (điểm a khoản 1 Điều 12); (ii) vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác (điểm b khoản 1 Điều 12); (iii) biên bản làm việc là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 12).
- Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 12) với các mốc thời gian cho từng trường hợp cụ thể như: 02 ngày làm việc; 05 ngày làm việc (với trường hợp có tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức); 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và xác minh tình tiết liên quan...
- Lập biên bản trong một số trường hợp cụ thể: một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm; nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm trong cùng một vụ vi phạm; nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm; cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần (khoản 3 Điều 12).
- Nội dung của biên bản vi phạm hành chính (khoản 4 Điều 12); ký biên bản vi phạm hành chính (khoản 5 Điều 12); giao biên bản vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 12).