Công văn 6055/TCHQ-TXNK năm 2019 về xác định mã số hàng hóa do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 6055/TCHQ-TXNK |
Ngày ban hành | 23/09/2019 |
Ngày có hiệu lực | 23/09/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Đào Thu Hương |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6055/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2019 |
Kính
gửi: Công ty TNHH KEN Logistics.
(Tầng 11, tòa nhà Detech Tower II, số 107, Nguyễn Phong Sắc, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, Hà Nội)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 07/TCHQ/2019 ngày 11/7/2019 của Công ty TNHH KEN Logistics về việc xác định mã số hàng hóa. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
a) Đối với câu hỏi 1 của Công ty:
Căn cứ Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ:
“1. Trường hợp người khai hải quan nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan về tên hàng, mã số, xuất xứ, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan của hàng hóa thì thực hiện việc khai bổ sung các nội dung theo yêu cầu của cơ quan hải quan và xử lý theo quy định pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc quy định của pháp luật liên quan.
Trường hợp không nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan về tên hàng, mã số, xuất xứ, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan thì người khai hải quan thực hiện khiếu nại hoặc được lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định để thực hiện việc giám định hàng hóa theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định, cơ quan hải quan căn cứ kết luận của cơ quan, tổ chức giám định để quyết định việc thông quan.
2. Trường hợp cơ quan hải quan không nhất trí với kết quả giám định do người khai hải quan cung cấp, cơ quan hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để quyết định việc thông quan. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan thì thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ:
“Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu cơ quan kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.
Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa”.
Như vậy đối với vấn đề Công ty nêu, cơ quan hải quan căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP để thực hiện việc phân tích, phân loại hoặc giám định. Người khai hải quan thực hiện quyền khiếu nại hoặc trưng cầu giám định trong trường hợp không nhất trí với kết luận của cơ quan hải quan về mã số hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
b) Đối với câu hỏi 2 của Công ty:
Căn cứ khoản 15 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ: Trường hợp hàng hóa phải thực hiện phân tích, phân loại hoặc giám định thuộc trường hợp giải phóng hàng.
Về việc xử phạt vi phạm hành chính:
- Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.
- Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 quy định người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:
“a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;...
Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
- Điểm a.2 khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định
“a.2) Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật; ”
Trường hợp xử lý hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể, xác định quy định pháp luật đã bị vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
Nếu Công ty có hành vi khai sai ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp thì tùy theo hành vi vi phạm, tính chất, mức độ có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 13 của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ).
- Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng theo quy định tại Điều 6 Thông tư 153/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 105/2014/TT-BTC).
Công ty có thể liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể trường hợp có vướng mắc.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để Công ty TNHH KEN Logistics biết và thực hiện./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |