Công văn 5914/TCHQ-HTQT năm 2014 giải đáp vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan trong quá trình áp dụng hệ thống VNACCS do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 5914/TCHQ-HTQT
Ngày ban hành 23/05/2014
Ngày có hiệu lực 23/05/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Công nghệ thông tin

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5914/TCHQ-HTQT
V/v giải đáp vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan trong quá trình áp dụng hệ thống VNACCS

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
(Đ/c: Phòng 602, Tòa nhà DMC, 535 Kim Mã, Hà Nội, Việt Nam)

Trước hết, Tổng cục Hải quan chân thành cám ơn và ghi nhận những đề xuất kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đối với Hải quan Việt Nam nêu tại văn bản số DN03/2014HHDNNB ngày 16/5/2014. Điều này thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đến các bước phát triển của quá trình cải cách hiện đại hóa hải quan, hướng đến mục tiêu là tạo thuận lợi cho thương mại và xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, cạnh tranh lành mạnh.

Về các vấn đề mà Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nêu tại văn bản DN03/2014HHDNNB nói trên, Tổng cục Hải quan trả lời như sau:

1. Vấn đề dừng (ách tắc) hoặc chậm trễ trong thủ tục hải quan.

· Nhóm vấn đề do nguyên nhân áp dụng các loại mã code trong Hệ thống VNACCS:

Hệ thống VNACCS phải sử dụng nhiều thông tin khai báo đã được mã hóa để chuẩn hóa dữ liệu. Đây là một trong những ưu việt khi sử dụng hệ thống NACCS (tại Nhật Bản), khi vận hành hệ thống VNACCS (tại Việt Nam) có những khó khăn mà người sử dụng phải làm quen với hệ thống thời điểm ban đầu. Do vậy, về phía Tổng cục Hải quan sẽ chuẩn các bảng mã và đưa nội dung hướng dẫn sử dụng cụ thể lên trang thông tin điện tử của Hải quan Việt Nam (website) cũng như hướng dẫn công chức, cán bộ Hải quan thực hiện thống nhất.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như đối với những doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, chúng tôi đề nghị phối hợp, kịp thời cập nhật và thực hiện các nội dung đã hướng dẫn sử dụng hệ thống.

·  Nhóm vấn đề do nguyên nhân xuất phát từ phần mềm kê khai thủ tục Hải quan do doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển:

- Với nội dung nêu tại điểm 1, khoản (2), mục a:

Từ 01/04/2014, khi triển khai hệ thống VNACCS, có một số vướng mắc khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và đã được các Cục Hải quan địa phương báo cáo về Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý. Các vướng mắc về hệ thống CNTT cụ thể như sau:

Về phản ánh dữ liệu không đồng bộ giữa hệ thống VNACCS và các hệ thống do doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển: Vướng mắc này đã được công ty NTT Data (tiến hành sửa hệ thống VNACCS) và các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (tiến hành sửa các hệ thống vệ tinh) khắc phục. Nguyên nhân việc mất đồng bộ dữ liệu không chỉ đến từ các hệ thống do doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển mà cả từ hệ thống VNACCS.

- Với nội dung vướng mắc nếu tại điểm 1, khoản (2), mục b:

Các doanh nghiệp thực hiện khai và thông quan trên Hệ thống VNACCS. Việc tiếp nhận xử lý Hợp đồng gia công, danh mục sản phẩm, nguyên liệu hoặc định mức được thực hiện trên hệ thống E-customs phục vụ công tác thanh khoản sau này, không ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan ghi nhận phản ánh của JBAV để kiểm tra, hiệu chỉnh hệ thống.

Mọi vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ phận Hỗ trợ (Helpdesk) hoặc Website của Hải quan Việt Nam để được hỗ trợ.

Bộ phận hỗ trợ của Tổng cục Hải quan:

Điện thoại: (04) 37824 754, (04) 37824 755, (04) 37824 756, (04) 37824 757

Thư điện tử: bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Website: www.customs.gov.vn

2. Vấn đề liên quan đến tăng số lượng các thủ tục hành chính và chi phí:

- Về yêu cầu xác nhận bản gốc của giấy phép xuất nhập khẩu:

Căn cứ quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2014/TT-BTC về “Hồ sơ hải quan điện tử”, trường hợp tờ khai thuộc diện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 128/2013/TT-BTC thì một trong những chứng từ người khai hải quan phải nộp để cơ quan hải quan kiểm tra đó là: “Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính...” hoặc “Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu...: nộp 01 bản chính) (quy định tại tiết đ.1 điểm đ khoản 1 Điều 12 Thông tư 128/2013/TT- BTC). Do đó, khi hệ thống một cửa quốc gia chưa được triển khai toàn diện, việc yêu cầu kiểm tra bản gốc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo lộ trình áp dụng giấy phép điện tử trong thông quan hàng hóa xuất khẩu đến tháng 2/2014 Việt Nam đã chính thức thí điểm giai đoạn 1 cơ chế một cửa quốc gia vào kết nối 03 Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải. Dự kiến đến cuối năm 2014, giai đoạn 2 sẽ được triển khai mở rộng đến 3 Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường, Y tế. Từ nay đến cuối năm 2014, các bên liên quan sẽ tiến hành lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm cơ chế một cửa đối với các thủ tục hành chính tham gia thí điểm của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải. Như vậy, việc áp dụng giấy phép điện tử nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện căn cứ theo lộ trình, tiến độ triển khai cơ chế một cửa giữa các cơ quan chính phủ cũng như phụ thuộc vào các quy định pháp lý liên quan.

- Với những kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam liên quan đến khai báo gộp mã HS, xác nhận bản chính giấy phép nhập khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ ghi nhận để xây dựng hệ thống một cửa quốc gia, xây dựng quy định về hướng dẫn khai báo Hải quan đối với nhiều dòng hàng trên hóa đơn có cùng một mã HS.

3. Về yêu cầu liên quan đến các chi phí không chính thức:

Với vấn đề này, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã ban hành một loạt các công văn, chỉ thị chấn chỉnh tác phong làm việc, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức Hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thông quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS, nhằm tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương đối với công chức Hải quan. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cán bộ công chức nêu cao ý thức trách nhiệm, khắc phục khó khăn, chia sẻ và phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh trong quá trình làm thủ tục Hải quan. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị duy trì củng cố các tổ tư vấn ở các Chi cục để hướng dẫn thủ tục và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và thành lập các đội đặc nhiệm và lực lượng giám sát, kiểm tra thường xuyên và đột xuất ở các khâu nghiệp vụ Hải quan tại các Chi cục...

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5319/TCHQ-VP ngày 16/5/2014 v/v tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với công chức hải quan trong quá trình thực hiện thông quan điện tử trên Hệ thống VNACCS/VCIS, trong đó công khai các đường dây nóng chống tiêu cực của Tổng cục Hải quan gồm các số điện thoại di động: 0988.315.858; 0913.277.770; 0913.242.611. Các số điện thoại đường dây nóng có nhiệm vụ tiếp nhận tin tố cáo của doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức tố giác tiêu cực của công chức hải quan hoặc các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các ý kiến phản ánh.

Để đảm bảo tính minh bạch và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đề nghị phía Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cung cấp các thông tin cụ thể về việc các cá nhân công chức hay cơ quan hải quan vi phạm và làm trái quy định để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định.

Nhân dịp này, Tổng cục Hải quan đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách, hiện đại hóa của hải quan hướng đến tạo thuận lợi cho hoạt động của các Doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam trong đó có các Doanh nghiệp Nhật Bản./.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ