Công văn 589/TCGDNN-ĐTCQ năm 2018 về đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Số hiệu 589/TCGDNN-ĐTCQ
Ngày ban hành 29/03/2018
Ngày có hiệu lực 29/03/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Người ký Nguyễn Hồng Minh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC GIÁO DỤC
NGHỀ NGHIỆP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 589/TCGDNN-ĐTCQ
Về việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp gửi các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường gắn kết với doanh nghiệp.

Để giúp các cơ sở GDNN thực tốt việc gắn kết với doanh nghiệp theo chỉ đạo nêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở GDNN triển khai, thực hiện một số hoạt động sau:

1. Về công tác tổ chức, kết nối với doanh nghiệp

- Kiện toàn hoặc thành lập bộ phận chức năng làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thiết lập kênh thông tin tiếp nhận nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; triển khai nhiệm vụ đào tạo theo đặt hàng;

- Chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác.v.v...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên;

- Tăng cường truyền thông để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người học và xã hội về GDNN; thông tin về chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, nhất là các chính sách thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN (tham khảo Phụ lục kèm theo); thiết lập kênh thông tin (website, email, điện thoại.v.v...) về hợp tác với các doanh nghiệp của cơ sở GDNN;

- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đấy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong năm 2018; báo cáo kết quả thực hiện ban đầu cùng các kiến nghị đề xuất về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Địa chỉ: 37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội; email: daotaocq@molisa.gov.vn), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương và các Bộ, ngành chủ quản.

2. Về thực hiện các chương trình hợp tác với doanh nghiệp

a) Liên kết đào tạo với doanh nghiệp

- Liên kết đào tạo với doanh nghiệp là sự phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ sơ cấp và các chứng chỉ đào tạo khác thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Cơ sở GDNN là đơn vị chủ trì liên kết đào tạo, doanh nghiệp là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo;

- Hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung sau:

+ Quyền, trách nhiệm của các bên (nhà trường, doanh nghiệp, người dạy, người học);

+ Thống nhất nội dung chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra (theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp), kế hoạch tiến độ đào tạo, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp và thời gian đào tạo tại cơ sở GDNN (doanh nghiệp có thể đảm nhận tới 40% chương trình đào tạo, nhất là phần đào tạo thực hành);

+ Hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá;

+ Phụ cấp hoặc tiền lương cho nhà giáo, người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp;

+ Phụ cấp hoặc tiền lương của cơ sở GDNN trả cho người hướng dẫn của doanh nghiệp (nếu có);

+ Những nội dung khác liên quan đến quyền và trách nhiệm của các bên.

- Việc tổ chức liên kết đào tạo với doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết chương trình đào tạo; Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp

- Cơ sở GDNN tổ chức việc đào tạo theo hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp để đào tạo nhân lực lao động cho doanh nghiệp;

- Hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung tương tự như Hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp và có điều khoản quy định việc tiếp nhận người học sau quá trình đào tạo nếu đạt yêu cầu của doanh nghiệp;

- Việc tổ chức đào tạo theo đặt hàng được áp dụng theo hình thức đào tạo chính quy hoặc thường xuyên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

c) Các chương trình hợp tác khác

Ngoài hai chương trình hợp tác chính nêu trên, cơ sở GDNN cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong các hoạt động sau:

- Hợp tác trong việc rà soát và điều chỉnh các chương trình, giáo trình đào tạo của cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

- Hợp tác tổ chức cho nhà giáo đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; mời cán bộ kỹ thuật, chuyên gia đến từ doanh nghiệp để giảng dạy, tham gia vào hội đồng trường của các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập, hội đồng quản trị trường cao đẳng, trường trung cấp tư thục và các hội đồng chuyên môn khác của cơ sở GDNN;

- Hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho nhà giáo của các cơ sở GDNN và người dạy của doanh nghiệp tham gia giảng dạy;

[...]