Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Công văn 568/LĐTBXH-BTXH về cấp giấy chứng nhận diện được hưởng trợ cấp xã hội theo Thông tư 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 568/LĐTBXH-BTXH
Ngày ban hành 13/11/2006
Ngày có hiệu lực 01/11/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký ***
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH NAM ĐỊNH
SỞ LAO ĐỘNG – TB&XH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 568/LĐTBXH-BTXH
V/v cấp giấy chứng nhận diện được hưởng trợ cấp xã hội theo Thông tư số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH

Nam Định, ngày 13 tháng 11 năm 2006

 

Kính gửi: Phòng Nội vụ - Lao động TBXH các huyện, thành phố

Thực hiện Thông tư Liên tịch số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, ngày 25 tháng 8 năm 1998 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính - Bộ Lao động – TB&XH. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận diện được hưởng trợ cấp xã hội (Giấy chứng nhận) cho hàng nghìn học sinh, sinh viên đang học tại các trường đào tạo hệ chính quy tập trung – dài hạn trong nước thuộc diện hộ nghèo (gọi là đối tượng), đã được 3 cấp có thẩm quyền: xã, huyện, tỉnh xét duyệt.

Trong quá trình thực hiện có một số bất cập đó là: Đối tượng hộ nghèo phải đi lại xa, tốn kém về thời gian và vật chất. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản báo cáo cấp trên, đến nay vẫn chưa có trả lời. Trong khi chờ đợi liên Bộ sửa đổi Thông tư số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Phòng Nội vụ - Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố (gọi là cấp huyện) chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn (gọi là cấp xã) thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho đối tượng như sau:

I. THỜI ĐIỂM, PHƯƠNG THỨC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

1. Thời điểm:

Hộ nghèo hàng năm được khảo sát và công nhận vào 31 tháng 10 năm trước để thực hiện chính sách hỗ trợ vào năm sau nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cấp giấy chứng nhận từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

2. Phương thức cấp:

Giấy chứng nhận được cấp thông qua phòng Nội vụ - Lao động Thương binh xã hội theo danh sách đã thẩm định và có giá trị trong 12 tháng.

II. TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:

1. UBND cấp xã:

- Hàng năm, sau khi Ban Chỉ đạo khảo sát hộ nghèo cấp huyện công nhận số lượng và danh sách hộ nghèo của cấp xã, UBND cấp xã thông báo cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo có học sinh, sinh viên đang học tại các trường đào tạo hệ chính quy tập trung – dài hạn trong nước làm đơn (theo mẫu số 01) gửi về UBND cấp xã.

- Cử cán bộ làm công tác Lao động thương binh xã hội thực hiện;

+ Kiểm tra, đối chiếu với danh sách hộ nghèo đang quản lý tại cấp xã để lập danh sách (theo mẫu số 02).

+ Danh sách lập thành 03 bản trình Chủ tịch UBND cấp xã ký xác nhận. Nộp 02 bản về phòng Nội vụ - Lao động thương binh xã hội.

+ Nhận giấy chứng nhận của đối tượng thuộc địa phương mình tại phòng Nội vụ Lao động thương binh xã hội về giao cho đối tượng, thời gian chậm nhất không quá 05 ngày. Khi đối tượng nhận phải ký vào danh sách.

- Trường hợp hộ nghèo mới được bổ sung sau ngày 31 tháng 10 mà có đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện cấp giấy chứng nhận thì làm thủ tục cùng với việc đề nghị bổ sung hộ nghèo.

2. Phòng Nội vụ - Lao động thương binh xã hội:

- Tiếp nhận danh sách của cấp xã.

- Kiểm tra đối chiếu với danh sách hộ nghèo, người nghèo huyện đã công nhận và đang quản lý.

- Ký xác nhận vào danh sách trích ngang của cấp xã.

- Nộp 01 bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua phòng Bảo trợ Phòng chống tệ nạn xã hội).

- Nhận giấy chứng nhận do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp để giao cho cấp xã thời gian chậm nhất không quá 03 ngày (theo ngày làm việc).

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:  

- Tiếp nhận danh sách của cấp xã do Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội chuyển đến.

- Cấp Giấy chứng nhận theo kết quả thẩm định cho cấp huyện.

Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2006. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phòng Nội vụ Lao động – TB&XH tập hợp báo cáo UBND huyện, thành phố và Giám đốc Sở để chỉ đạo xem xét giải quyết./.

 

[...]