Công văn 5347/TCT-DNL năm 2017 về thuế giá trị gia tăng đối với tạm xuất vật tư, thiết bị để thực hiện sửa chữa, phục hồi ở nước ngoài và tái nhập vào Việt Nam theo Hợp đồng bảo trì do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 5347/TCT-DNL
Ngày ban hành 20/11/2017
Ngày có hiệu lực 20/11/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Đặng Ngọc Minh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5347/TCT-DNL
V/v: thuế GTGT đối với tạm xuất vật tư, thiết bị để thực hiện sửa chữa, phục hồi ở nước ngoài và tái nhập vào Việt Nam theo Hợp đồng bảo trì

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty điện lực dầu khí Cà Mau.
(Địa chỉ: Cụm công nghiệp Cà Mau, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau)

Tổng cục Thuế được phân công của Bộ Tài chính về việc trả lời văn bản số 1675/ĐLDKCM-KHKD-TCKT ngày 17/08/2017 của Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau (PVPCM) đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu.

Ngày 22/09/2017, PVPCM có công văn số 1909/ĐLDKCM-KHKD-TCKT bổ sung các thông tin liên quan, làm rõ công văn số 1675 nêu trên về việc thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT đối với lô vật tư, thiết bị đưa đi nước ngoài để sửa chữa, phục hồi và làm thủ tục hải quan theo phương thức hàng tạm xuất tái nhập.

Về vấn đề này, sau khi nhận được ý kiến của Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế và báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến trả lời như sau:

- Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định:

"Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); ... mà các dịch vụ này được thực hiện ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật."

- Tại Điều 5 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức có quy định về cơ sở thường trú:

"1. Theo Hiệp định này, thuật ngữ "cơ sở thường trú" có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó xí nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.

3. Một địa điểm xây dựng hay công trình xây dựng hoặc lắp đặt sẽ tạo nên một cơ sở thường trú chỉ khi địa thể im hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng.

7. Việc một công ty đối tượng cư trú của một Nước ký kết kiểm soát hoặc chịu sự kiểm soát bởi một công ty là đối tượng cư trú của Nước ký kết kia hoặc đang tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước kia (có thể thông qua một cơ sở thường trú hay dưới hình thức khác) sẽ không làm cho bất kỳ công ty nào trở thành cơ sở thường trú của công ty kia."

- Tại Điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam quy định về xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam có quy định về cơ sở thường trú như sau:

"1.2.1. Theo quy định tại Hiệp định, cơ sở thường trú "là một cơ sở kinh doanh cố định của một doanh nghiệp, thông qua đó, doanh nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.

Một doanh nghiệp của Nước ký kết được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu hội đủ ba điều kiện dưới đây:

a) Duy trì tại Việt Nam "cơ sở" như một tòa nhà, một văn phòng hoặc một phần của tòa nhà hay văn phòng đó, một phương tiện hoặc thiết bị,…;

b) Cơ sở này có tính chất cố định, nghĩa là được thiết lập tại một địa điểm xác định và/hoặc được duy trì thường xuyên. Tính cố định của cơ sở kinh doanh không nhất thiết phụ thuộc vào việc cơ sở đó phải được gắn liền với một vị trí địa lý cụ thể trong một độ dài thời gian nhất định; và

c) Doanh nghiệp tiến hành toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở này.

1.2.2. Một doanh nghiệp của một Nước ký kết sự được coi là tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam trong các trường hợp chủ yếu sau đây:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dưng, lắp đặt hoặc lắp ráp, hoặc tiến hành các hoạt động giám sát liên quan đến các địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp nói trên với điều kiện các địa điểm, công trình hoặc các hoạt động giám sát đó kéo dài hơn 6 tháng hoặc 3 tháng (tùy theo từng Hiệp định cụ thể) tại Việt Nam.

c) Doanh nghiệp đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn Việt Nam thông qua nhân viên của doanh nghiệp hoặc một đối tượng khác với điều kiện các hoạt động dịch vụ nói trên trong một dự án hoặc các dự án có liên quan, kéo dài tại Việt Nam trong một khoảng thời gian hay nhiều khoảng thời gian gộp lại quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng.

Liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, mặc dù tại Hiệp định có quy định cơ sở thường trú bao gồm việc cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn Việt Nam thông qua nhân viên của doanh nghiệp hoặc một đối tượng khác với điều kiện các hoạt động dịch vụ nói trên trong một dự án hoặc các dự án có liên quan, kéo dài tại Việt Nam trong một khoảng thời gian hay nhiều khoảng thời gian gộp lại quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng, nhưng do tính chất của dịch vụ, thời gian cung cấp dịch vụ không kéo dài quá 6 tháng trong một giai đoạn 12 tháng, trong khi đó, ba điều kiện về cơ sở thường trú tại Điểm 1.2.1 nêu trên vẫn thỏa mãn thì việc cung cấp dịch vụ vẫn được coi là có một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

1.2.4. Trường hợp một công ty là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam kiểm soát hoặc chịu sự kiểm soát bởi một công ty là đối tượng cư trú của Việt Nam, hoặc đang tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (có thể thông qua cơ sở thường trú hoặc dưới hình thức khác) sẽ không làm cho bất kỳ công ty nào trở thành cơ sở thường trú của công ty kia…"

Theo hồ sơ gửi kèm tại công văn số 1675/ĐLDKCM-KHKD-TCKT, công văn số 1909/ĐLDKCM-KHKD-TCKT của PVPCM thì Công ty TNHH Siemens (gọi tắt là Siemens Việt Nam) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam (pháp nhân Việt Nam) và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0302727641, thay đổi lần thứ 7 ngày 07/10/2015 do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp. Siemens Việt Nam cùng liên danh với Siemens Aktiengesellschaft (Siemens AG) có trụ sở tại Đức để thực hiện Hợp đồng bảo trì dài hạn Nhà máy điện Cà Mau 1&2. Tại Hợp đồng bảo trì dài hạn nêu trên có quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên trong liên danh khi thực hiện hợp đồng. Trong đó, Siemens AG có trách nhiệm phục hồi, sửa chữa vật tư, thiết bị của nhà máy điện và thực hiện phục hồi, sửa chữa ở ngoài Việt Nam để thực hiện Hợp đồng dịch vụ bảo trì.

Căn cứ khoản 7 Điều 5 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức; căn cứ tiết 1.2.4 khoản 1 Điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC thì việc liên danh thực hiện Hợp đồng bảo trì dài hạn Nhà máy điện Cà Mau 1&2 nêu trên sẽ không làm cho Siemens Việt Nam trở thành cơ sở thường trú tại Việt Nam của Siemens AG.

[...]