Công văn số 505/BYT-K2ĐT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thử thuốc, Vắc xin trên lâm sàng phòng chống một số dịch bệnh khẩn cấp

Số hiệu 505/BYT-K2ĐT
Ngày ban hành 24/01/2006
Ngày có hiệu lực 24/01/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trương Việt Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 505/BYT-K2ĐT
V/v: Hướng dẫn thử thuốc, Vắc xin trên lâm sàng phòng chống một số dịch bệnh khẩn cấp

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2006 

 

Kính gửi: Các đơn vị

Hiện nay Bộ Y tế đang hoàn chỉnh việc ban hành Quy chế thử nghiệm thuốc trên lâm sàng. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt của một số đơn vị, cơ quan có thuốc cần thử nghiệm trên lâm sàng nhằm phục vụ cho công tác phòng chống khẩn cấp một số dịch bệnh hiện nay, căn cứ vào các điều khoản của Luật Dược và các điều của “Quy chế Đăng ký thuốc” (ban hành theo Quyết định số: 3121/2001/QĐ-BYT ngày 18/7/2001), Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật thử thuốc trên lâm sàng” (bao gồm cả các loại Vắc xin mới)và một số lưu ý trong quá trình triển khai như sau:

1-Thử nghiệm thuốc trên lâm sàng là giai đoạn cuối cùng của quá trình nghiên cứu trước khi đăng ký lưu hành thuốc trên thị trường. Vì vậy, trước khi đặt vấn đề nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, cơ sở sản xuất cần hoàn tất các giai đoạn nghiên cứu bao gồm các nghiên cứu về thuốc: công thức bào chế, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng nguyên, phụ liệu, thành phẩm, kiểm nghiệm, nghiên cứu độ ổn định và tuổi thọ của thuốc; các nghiên cứu tiền lâm sàng: nghiên cứu độc tính, độ an toàn, dược động học thực nghiệm và tác dụng dược lý trên súc vật, dự kiến cách dùng và liều dùng trên người

Nếu các nghiên cứu trên được tiến hành ở nước ngoài thì cần báo cáo xuất xứ tài liệu nghiên cứu và chứng minh tính pháp lý của các tài liệu đó.

2- Cơ sở sản xuất thuốc cần nghiên cứu các quy định chi tiết về các điều kiện thử lâm sàng, trách nhiệm của tổ chức, các nhân có thuốc thử (xí nghiệp), của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng, chủ nhiệm đề tài, nghiên cứu viên, trách nhiệm và quyền lợi của người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng, trình tự thủ tục hồ sơ... đã được quy định cụ thể trong bản Hướng dẫn kèm theo công văn này.

3- Trong những trường hợp khẩn cấp Bộ Y tế sẽ xem xét, quyết định và giao nhiệm vụ thử thuốc, Vắc xin trên lâm sàng cho các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có đủ điều kiện theo quy định của Hướng dẫn này. Đơn vị sản xuất có thuốc, Vắc xin cần thử phải phối hợp với đơn vị nhận thử thuốc để xây dựng đề cương nghiên cứu và hoàn tất hồ sơ pháp lý theo đúng các quy định của Hướng dẫn này.

4- Các cở sở sản xuất thuốc, sau khi hoàn tất hồ sơ thử lâm sàng theo quy định cần đăng ký và nộp hồ sơ tại Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế (138 A Giảng Võ- Hà Nội).

Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị kèm theo đầy đủ hồ sơ, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng Khoa học và Hội đồng đạo đức thẩm định tính khoa học, đạo đức và tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế bằng biên bản làm việc của Hội đồng để phê duyệt cho phép thử nghiệm.

5- Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế được Bộ trưởng giao là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề liên quan trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị các tổ chức, cá nhân có thuốc thử, các tổ chức nhận thử và các tổ chức các cá nhân có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo) để phản ánh kịp thời các điểm chưa hợp lý hoặc các điểm cần bổ sung nhằm hoàn chỉnh và thực hiện tốt theo Hướng dẫn này.

Xin cảm ơn sự hợp tác của các Đơn vị.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO
 


Trương Việt Dũng

 

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG
(Kèm theo công văn số:505/BYT-K2ĐT ngày  24  tháng 01 năm 2006)

Hướng dẫn này quy định về: Điều kiện và hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng; thẩm định, xét duyệt, cho phép thử nghiệm lâm sàng; các giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng; giám sát, kiểm tra ; ghi chép, báo cáo, xử lý số liệu; quản lý thuốc dùng trong nghiên cứu; đảm bảo chất lượng của nghiên cứu; thử thuốc trên lâm sàng ở nhiều cơ sở khác nhau; đánh giá kết quả; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thuốc thử, của đơn vị chủ trì và của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng.

1. Đối tượng áp dụng

Các thuốc, bao gồm thuốc thành phẩm, hoá dược, dược liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế (sau đây được gọi chung là thuốc) khi tiến hành nghiên cứu thử nghiệm trên lâm sàng tại Việt Nam phải được thực hiện đúng theo các quy định của Luật Dược và của Hướng dẫn này.

Thuốc thử nghiệm trên lâm sàng bao gồm:

Thuốc chứa dược chất mới (là những chất mới được nghiên cứu tổng hợp, chiết xuất, chưa được sử dụng làm thuốc).

Thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành.

Thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm (đa quốc gia) giai đoạn III.

Các thuốc khác khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.

Thuốc miễn thử hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng:

Bộ Y tế xem xét miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng:

Thuốc mang tên gốc ( thuốc generic) đang lưu hành trên thị trường.

Thuốc chứa hoạt chất đang lưu hành có cùng đường dùng, hàm lượng và chỉ định.

[...]