Công văn 4967/BVHTTDL-VP năm 2021 về bổ sung thời hạn đối với giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke và các dịch vụ văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 4967/BVHTTDL-VP
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4967/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02 tháng 11 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

1. Đề nghị trình Chính phủ xem xét, bổ sung vào Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường về thời hạn đối với giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke và các dịch vụ văn hóa. Vì nếu giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke không có thời hạn như hiện nay sẽ rất khó quản lý đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn cho phòng hát sau một thời gian sử dụng gây ảnh hưởng đến người dân chung quanh sinh sống.

2. Đề nghị quan tâm đầu tư nguồn lực để sớm trùng tu, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá vật thể: Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực di sản văn hóa, để có thể đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, đầu tư cho lĩnh vực di sản bị xuống cấp, trên cả nước có rất nhiều công trình di sản, di tích muốn trùng tu, bảo tồn gặp nhiều khó khăn với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa dẫn đến việc xây dựng, trùng tu các công trình không đồng bộ, chắp vá và không đạt yêu cầu.

3. Đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo xây dựng Đề án giữ gìn nét đặc trưng, truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và dân tộc Sán Dìu nói riêng, đặc biệt là chữ viết của các dân tộc thiểu số.

4. Đề nghị quan tâm có chính sách hỗ trợ đối với người dân tộc Kinh sinh sống lâu năm cùng với đồng bào dân tộc thiểu số trên cùng một địa bàn. Đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm đến bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu gắn với phát triển du lịch.

5. Đề nghị xem xét, sửa đổi Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/09/2014 và Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/01/2013 theo hướng quy định cụ thể mức khen thưởng để các địa phương có căn cứ thực hiện. Hiện nay, các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa", "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị"; "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị"… đều quy định: “Kinh phí khen thưởng cho "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa", "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", "Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" là căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa” dẫn đến tình trạng một số địa phương không có cơ sở để bố trí khen thưởng và trên thực tế đã có những trường hợp có khen mà không có thưởng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị bổ sung thời hạn đối với giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke và các dịch vụ văn hóa vào Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.

Ngày 19 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thay thế các Điều 25 và Điều 31 của Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Theo đó, từ Điều 10 đến Điều 16 của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về điều kiện, hồ sơ, thẩm quyền cấp phép và không quy định về thời hạn của giấy phép. Việc không quy định về thời hạn cấp phép đối với giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke, nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (không phải thông báo trước) theo thẩm quyền hoặc tổ chức Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp (theo Điều 17 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP). Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện vi phạm, căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành (theo Điều 17 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP).

2. Về đề nghị có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 15 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét việc hỗ trợ kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có di tích Tháp Bình Sơn. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chủ động rà soát đưa dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích Tháp Bình Sơn vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

* Về kiến nghị hiện nay chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, đầu tư cho lĩnh vực di sản bị xuống cấp, trên cả nước có rất nhiều công trình di sản, di tích muốn trùng tu, bảo tồn gặp nhiều khó khăn với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa dẫn đến việc xây dựng, trùng tu các công trình không đồng bộ, chắp vá và không đạt yêu cầu.

Luật Di sản văn hóa quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nguồn kinh phí của Nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ để chống xuống cấp di tích (vốn mồi), còn lại khuyến khích các nguồn xã hội hóa hợp pháp tham gia vào tu bổ, tôn tạo di tích nhằm góp phần tạo nên một địa điểm di tích hoàn chỉnh. Việc tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn kinh phí Nhà nước hay xã hội hóa đều được thực hiện trên cơ sở có ý kiến thẩm định về chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật; hiện tượng công trình không đồng bộ, chắp vá và không đạt yêu cầu còn xảy ra là do việc tu bổ, tôn tạo di tích không tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Về đề nghị xây dựng Đề án giữ gìn nét đặc trưng, truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và dân tộc Sán Dìu nói riêng, đặc biệt là chữ viết của các dân tộc thiểu số.

Vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số một cách tổng thể, có chiều sâu như:

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, trong đó, việc giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện;

- Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1270);

- Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều dự án thành phần thuộc Đề án 1270, trong đó chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2011-2020; chủ trì xây dựng và triển khai Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc cụ thể hóa các chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và của dân tộc Sán Dìu nói riêng.

Đối với công tác bảo tồn chữ viết các dân tộc thiểu số: thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều Hội nghị, lớp tập huấn truyền dạy tiếng nói chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn tiếng nói chữ viết thông qua các hoạt động của Ngày hội, giao lưu văn hóa…, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian; tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề dân tộc thiểu số, miền núi, phát hành các ấn phẩm song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc)... Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

4. Về đề nghị quan tâm có chính sách hỗ trợ đối với người dân tộc Kinh sinh sống lâu năm cùng với đồng bào dân tộc thiểu số trên cùng một địa bàn.

Trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, việc hỗ trợ về chính sách cho đồng bào được triển khai theo hai hướng:

- Hỗ trợ chính sách cho đối tượng là 53 dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

- Hỗ trợ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ