Công văn 4842/UBND-KT năm 2015 về đôn đốc thực hiện, giải ngân và thanh quyết toán các công trình cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư nguồn ngân sách do Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 4842/UBND-KT |
Ngày ban hành | 15/07/2015 |
Ngày có hiệu lực | 15/07/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Văn Sửu |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4842/UBND-KT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015 |
Kính gửi: |
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp Thành phố; |
Thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kế hoạch, tăng cường giải ngân và đẩy mạnh quyết toán các dự án, công trình sửa chữa, chống xuống cấp, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư nguồn ngân sách Thành phố1; Chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã, thẩm định nguồn vốn, tham mưu UBND Thành phố bố trí vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các công trình cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp đảm bảo, theo khả năng, tiến độ thực hiện, thanh toán đầy đủ, kịp thời. Về cơ bản, các công trình triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ; công tác giải ngân và quyết toán hoàn thành công trình được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại nhất định (tiến độ thi công chậm, kết quả giải ngân chưa cao; công tác lập hồ sơ quyết toán của một số Chủ đầu tư chưa đúng thời gian quy định và thu hồi nợ sau quyết toán chưa được xử lý dứt điểm).
Để khắc phục những tồn tại trên và thực hiện đúng quy định pháp luật, hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư; UBND Thành phố yêu cầu:
1/ Về công tác rà soát, lập kế hoạch bố trí vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các công trình cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp trên địa bàn Thành phố:
a/ Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã:
- Thực hiện và chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực thuộc trong công tác xây dựng dự toán ngân sách hàng năm; chủ động rà soát, lập kế hoạch, danh mục các công trình cần sửa chữa, chống xuống cấp theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết đầu tư đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư, gắn với tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định về quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính và Thành phố; hạn chế đề xuất bổ sung trong năm, trừ các trường hợp cấp bách (thực hiện phải đúng trình tự, quy trình, quy định của Trung ương, không áp dụng quy trình xử lý cấp bách đối với các công trình cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch năm).
- Chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực thuộc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo dự toán được phê duyệt phù hợp các nội dung, hạng mục công trình triển khai, hạn chế phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thực hiện; dự kiến khả năng, tiến độ thực hiện công trình, từ đó đề xuất nhu cầu bố trí kế hoạch vốn phù hợp, hạn chế chuyển nguồn ngân sách hàng năm.
b/ Cơ quan tài chính các cấp: Chủ động trong công tác tham mưu tổng hợp bố trí vốn; trong đó, tập trung bố trí vốn dứt điểm đối với các công trình hoàn thành trong năm; cân đối, bố trí vốn cho các công trình đảm bảo đủ thủ tục theo quy định, trên cơ sở đề xuất thứ tự ưu tiên cho các ngành giữa các lĩnh vực, trong từng lĩnh vực theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Trong quá trình triển khai, cần rà soát khả năng thực hiện, giải ngân các công trình để kịp thời tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng ngân sách.
2/ Về công tác triển khai thực hiện, giải ngân, thanh toán:
a/ Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực thuộc triển khai các công trình theo kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng; trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc (nếu có) gửi các Sở, ngành liên quan để được xử lý, giải quyết, đảm bảo tiến độ thi công và lập hồ sơ thanh quyết toán công trình theo đúng quy định.
- Rà soát, kiện toàn năng lực các đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, không đề xuất giao nhiệm vụ Chủ đầu tư cho các đơn vị không đủ năng lực; đôn đốc triển khai thực hiện đúng tiến độ, thực hiện chế độ giám sát chất lượng công trình, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách.
b/ Cơ quan tài chính các cấp:
- Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công trình sửa chữa, chống xuống cấp sử dụng vốn sự nghiệp;
- Chủ động phối hợp Kho bạc Nhà nước Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đầu tư thực hiện công tác thu hồi, giảm tạm ứng chi ngân sách.
c/ Kho bạc Nhà nước Hà Nội: Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát thanh toán, tạm ứng vốn theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
3/ Về công tác quyết toán công trình hoàn thành:
a/ Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã:
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013, các Thông tư của Bộ Tài chính: số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư trên địa bàn Thành phố.
- Chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực thuộc: đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết toán công trình hoàn thành đúng quy định đảm bảo thời gian và chất lượng, khẩn trương làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ quyết toán khi công trình đã hoàn thành, gửi cơ quan tài chính thẩm tra, tránh để dồn vào thời điểm cuối năm; hoàn thành việc giải quyết công nợ của dự án sau 6 (sáu) tháng kể từ khi có Quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong Báo cáo quyết toán niên độ ngân sách của đơn vị.
- Chỉ đạo các Chủ đầu tư rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chậm tiến độ, giải ngân thấp, chậm quyết toán; chủ động lập danh sách các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công, công tác thanh quyết toán để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật và Thành phố.
b/ Cơ quan tài chính các cấp:
- Đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư lập và nộp hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành kịp thời, đúng quy định của Bộ Tài chính (về thời gian và nội dung), tránh để dồn vào cuối năm; chủ động tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong công tác quyết toán dự án hoàn thành để tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, đảm bảo tiến độ hoàn thành và quyết toán công trình đúng quy định.
- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Sở, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ đầu tư trong triển khai và hướng dẫn thực hiện các văn bản, chế độ chính sách mới của Trung ương về công tác quyết toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
c/ Kho bạc Nhà nước Hà Nội: Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã, xác nhận số liệu và hướng dẫn, đôn đốc các Chủ đầu tư thanh toán dứt điểm công nợ khi dự án đã quyết toán hoàn thành đúng quy định của Bộ Tài chính.
d/ Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan rà soát, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức và cá nhân vi phạm việc chậm lập hồ sơ quyết toán và kiến nghị UBND Thành phố xử lý theo thẩm quyền.
e/ Chủ đầu tư:
- Lập và nộp hồ sơ quyết toán hoàn thành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính (thành phần hồ sơ, nội dung và thời gian).