Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Công văn 48/TANDTC-TK trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 48/TANDTC-TK
Ngày ban hành 17/03/2010
Ngày có hiệu lực 17/03/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 48/TANDTC-TK
V/v trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2010

 

Kính gửi: Văn phòng Quốc hội

Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhận được công văn số 385/VPQH-TH ngày 10-3-2010 của Văn phòng Quốc hội về việc mời tham dự và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung chất vấn gồm có:

1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán;

2. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động xét xử của Toà án nhân dân các cấp;

3. Vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

4. Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án nhân dân các cấp và hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Toà án nhân dân tối cao đối với loại vụ việc này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:

1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán:

1.1. Về công tác đào tạo Thẩm phán

1.1.1. Về công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử (đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán)

Hiện nay, việc đào tạo Thẩm phán do Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Toà án nhân dân tối cao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức ngành Toà án theo chỉ tiêu đào tạo được phân bổ hàng năm (mỗi năm khoảng 500 học viên). Năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao đã cử 534 cán bộ của ngành tham gia khóa học đào tạo nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tư pháp.

 Trong việc thực hiện công tác này, Toà án nhân dân tối cao luôn thường xuyên rà soát đội ngũ Thẩm phán để xác định nhu cầu đào tạo, xác định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh, xác định thứ tự ưu tiên của từng khu vực để cân đối số lượng cần đào tạo đối với từng Toà án địa phương. Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành (các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, một số Tòa án địa phương) lựa chọn và cử cán bộ, Thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm để tham gia làm giảng viên kiêm chức cho Học viện Tư pháp.

Đào tạo tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán phải gắn với công tác và kinh nghiệm xét xử của ngành Toà án. Theo cơ chế đào tạo Thẩm phán hiện nay thì vẫn chưa thực sự gắn được trách nhiệm đào tạo Thẩm phán với việc nâng cao chất lượng xét xử của các Toà án. Thực tiễn hoạt động xét xử đã chứng minh rằng công tác đào tạo Thẩm phán có chất lượng thì mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán cũng như chất lượng xét xử, Toà án nhân dân tối cao kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giao chức năng đào tạo Thẩm phán cho Toà án nhân dân tối cao vì đào tạo nghiệp vụ phải gắn với thực tiễn và kinh nghiệm xét xử. Thực tế hiện nay, hầu hết giảng viên tham gia giảng dạy đào tạo Thẩm phán là cán bộ, Thẩm phán của Toà án. (Ngành Kiểm sát đã có trường đào tạo riêng để phục vụ cho việc tạo nguồn Kiểm sát viên). Việc chuyển đổi cơ chế đào tạo Thẩm phán theo hướng này sẽ giúp cho ngành Toà án chủ động hơn trong công tác tạo nguồn Thẩm phán, đồng thời cũng là cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo Thẩm phán, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và chất lượng xét xử của các Toà án.

Hiện nay Toà án nhân dân tối cao đang tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Toà án. Theo đó, Toà án nhân dân tối cao đang xúc tiến việc củng cố kiện toàn tổ chức, cán bộ và đội ngũ giảng viên cho Trường; xây dựng các chương trình tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao cho Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và Hội thẩm; đang triển khai xây dựng Trường với quy mô trên diện tích 5 ha tại Gia Lâm, Hà Nội với tổng nguồn vốn khoảng 335 tỷ đồng (trong đó Chính phủ Hàn Quốc tài trợ khoảng 50 tỷ để xây dựng trung tâm đào tạo Thẩm phán, đảm bảo đủ điều kiện nơi ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho cán bộ của ngành tham gia học tập tại Trường).

1.1.2. Về công tác đào tạo chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn cho Thẩm phán, cán bộ Toà án

Toà án nhân dân tối cao khuyến khích và tạo điều kiện để Thẩm phán, cán bộ tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua các chương trình đào tạo cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, Thạc sĩ, Tiến sĩ luật học bằng nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho ngành cũng như của địa phương. Năm 2009, Toà án nhân dân các cấp đã cử 326 cán bộ, Thẩm phán tham gia học các lớp cao cấp chính trị, 122 cán bộ, Thẩm phán tham gia học trung cấp chính trị, 92 cán bộ đi học Thạc sĩ và Tiến sĩ;

Để phục vụ cho hội nhập quốc tế, Toà án nhân dân tối cao cũng đã chủ động lựa chọn cán bộ để tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu về pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, số lượng cán bộ được cử đi đào tạo còn ít so với nhu cầu và yêu cầu của ngành đặt ra. Năm 2008 có 2 cán bộ được cử đi đào tạo Tiến sĩ và 9 cán bộ được cử đi đào tạo Thạc sĩ; năm 2009 đã chọn cử 01 cán bộ đi đào tạo theo Đề án của Chính phủ về “đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” và 04 cán bộ đi học lớp ngoại ngữ để chuẩn bị cho việc học cao học và nghiên cứu sinh ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương. Một trong những nguyên nhân chính là do chỉ tiêu đào tạo dành cho ngành Toà án không nhiều, bên cạnh đó số lượng cán bộ của ngành có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia các khóa học theo các chương trình, đề án còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chuẩn về ngoại ngữ.

Công tác đào tạo nguồn lãnh đạo quản lý cũng như cán bộ trong quy hoạch, đội ngũ chuyên gia pháp lý cao cấp, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật ở trung ương và ở địa phương mới chỉ dừng lại ở việc cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, quản lý nhà nước mà chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo cụ thể để chủ động trong việc đào tạo các nguồn cán bộ này. Thực hiện yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương của ngành Toà án là 100% đội ngũ cán bộ quản lý phải được đào tạo nâng cao về trình độ lý luận chính trị cũng như được đào tạo về quản lý nhà nước; 10% đội ngũ Thẩm phán Toà án các cấp phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công tác; đây là đội ngũ nòng cốt phục vụ cho yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành. Ngoài ra, phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật ở Toà án nhân dân tối cao (khoảng 20 người) và Toà án nhân dân cấp tỉnh (mỗi đơn vị khoảng 2 đến 3 người) nhằm phục vụ cho công tác hiện đại hoá các mặt hoạt động của ngành Toà án.

Xuất phát từ thực trạng công tác đào tạo nêu trên, nhu cầu đào tạo Thẩm phán, cán bộ của ngành Toà án, để tạo điều kiện cho ngành Toà án chủ động tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc hội nhập quốc tế, hiện đại hoá ngành Toà án và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tạo cho ngành Toà án cơ chế để thực hiện công tác đào tạo cán bộ một cách chủ động và có tính khả thi.

1.2. Về công tác bồi dưỡng cán bộ, Thẩm phán:

Năm 2009, Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức 14 khoá bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho hơn 2.000 Thẩm phán, cán bộ (chủ yếu cho Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu của việc tăng thẩm quyền xét xử); tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý cán bộ, về kế toán tài chính, hướng dẫn và cấp kinh phí để các Toà án nhân dân địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho Thẩm phán, cán bộ và Hội thẩm thuộc thẩm quyền quản lý. Toà án nhân dân tối cao xác định, việc nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho Thẩm phán, cán bộ của ngành thì công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán phải được thực hiện thường xuyên và phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành.

Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của ngành, Toà án nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu, và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp sau đây:

- Tổ chức thường xuyên, kịp thời các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật mới, văn bản pháp luật mới để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán;

- Chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm xét xử theo từng loại án và các chuyên đề cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán;

- Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch đội ngũ Thẩm phán và đội ngũ cán bộ lãnh đạo Toà án nhân dân các cấp;

- Phân cấp, tăng cường trách nhiệm của Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ Toà án theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân; làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành, các cơ sở đào tạo để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo của ngành và của từng đơn vị;

[...]