Công văn 4724/CT-TTHT năm 2017 về chính sách thuế đối với hợp đồng xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 4724/CT-TTHT |
Ngày ban hành | 13/02/2017 |
Ngày có hiệu lực | 13/02/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký | Mai Sơn |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Văn hóa - Xã hội |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 4724/CT-TTHT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2017 |
Kính gửi: Nhà hát múa rối Thăng Long
(Đ/c: 57B Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
MST:
0101530028)
Trả lời công văn số 94/MRTL đề ngày 16/12/2016 của Nhà hát múa rối Thăng Long (sau đây gọi tắt là "Nhà hát") hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:
+ Tại Khoản 13 Điều 4 quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:
"13. Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.
a) Hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục, thể thao, trừ các khoản doanh thu như: bán hàng hóa, cho thuê sân bãi, gian hàng tại hội chợ; triển lãm.
b) Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc kịch, xiếc; hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác và dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật của các nhà hát hoặc đoàn tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc có giấy phép hoạt động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
c) Sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, trừ các sản phẩm nêu tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này."
- Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
"Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
…
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.”
- Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN, quy định về phương pháp tính thuế:
"5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%.
Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%.
+ Đối với kinh doanh hàng hóa: 1 %.
+ Đối với hoạt động khác: 2%."
- Căn cứ Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về khai thuế TNDN.
- Căn cứ Hợp đồng kinh tế số 110/HĐKT-NTBD ký ngày 11/10/2016 giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát múa rối Thăng Long do đơn vị cung cấp kèm theo công văn hỏi số 94/MRTL đề ngày 16/12/2016.
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn về nguyên tắc đối với trường hợp Nhà hát múa rối Thăng Long có hợp đồng xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước như sau:
- Nhà hát phải lập hóa đơn khi cung cấp hợp đồng theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.
- Về thuế GTGT: Hoạt động múa rối nước thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Về thuế TNDN: Nhà hát là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật chịu thuế TNDN mà Nhà hát xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ 2% trên doanh thu theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đơn vị thực hiện kê khai thuế TNDN theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Nhà hát múa rối Thăng Long liên hệ với phòng Kiểm tra thuế số 2 - Cục Thuế TP Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.