Công văn 4715/BNN-PCTT năm 2021 triển khai thực hiện Nghị định 66/2021/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4715/BNN-PCTT
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hoàng Hiệp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4715/BNN-PCTT
V/v triển khai thực hiện Nghị định số 66/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 06/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (sau đây, viết tắt là Nghị định 66/2021/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2021.

Nghị định này thay thế Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và bãi bỏ Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 và Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

I. TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN NGHỊ ĐỊNH 66/2021/NĐ-CP

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 66/2021/NĐ-CP bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan, tổ chức về phòng, chống thiên tai cùng cấp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật phòng, chống thiên tai để tổ chức triển khai, thực hiện phù hợp, hiệu quả tại địa phương.

II. TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ công bố và triển khai Quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai theo thẩm quyền; thực hiện dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

b) Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc ưu tiên nhắn tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong tình huống thiên tai khẩn cấp.

d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện trách nhiệm ưu tiên phát tin trong trường hợp thiên tai khẩn cấp khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; chỉ đạo hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện trách nhiệm ưu tiên phát tin trong trường hợp thiên tai khẩn cấp khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Công bố và triển khai Quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai theo thẩm quyền; thực hiện dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối của địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c) Quy định trình tự chi tiết, tổ chức thực hiện hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân.

d) Rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã. Đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp (nguồn lực tài chính, nhân lực, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ tham mưu ra quyết định chỉ đạo điều hành và các điều kiện cần thiết khác).

đ) Kiện toàn Văn phòng thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

e) Chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, trong đó tập trung công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng và từng bước trang bị công cụ, phương tiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã khi tham gia thực thi nhiệm vụ. Bố trí ngân sách địa phương, Quỹ Phòng chống thiên tai và huy động các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác tập huấn và đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao hơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTgCP Lê Văn Thành;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, PCTT (15b).

KT. BỘ TRUỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp