Công văn 4713/BNN-KH năm 2022 giải pháp quản lý, kiểm soát, bình ổn giá thị trường để tạo điều kiện sống và sản xuất cho nhân dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 4713/BNN-KH |
Ngày ban hành | 21/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 21/07/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4713/BNN-KH |
Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định do Ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 487/BDN, ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 125)
Cử tri phản ánh và kiến nghị: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, giá cả một số mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; giá cả đầu vào cao, giá cả đầu ra thấp, không tiêu thụ được dẫn đến khó khăn, thua lỗ, nhân dân không có vốn để tái đầu tư, sản xuất. Đề nghị sớm có giải pháp quản lý, kiểm soát, bình ổn giá thị trường để tạo điều kiện sống và sản xuất cho nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Liên quan đến nội dung cử tri tỉnh Nam Định quan tâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:
Từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi trên thế giới cũng như trong nước biến động lớn, nguyên nhân chính là do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu (do tình hình dịch bệnh Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine) nên giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trước diễn biến tăng giá của thị trường phân bón và thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp có nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp, cụ thể:
- Đối với mặt hàng phân bón: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời và dành tối đa lượng sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế vật tư nông nghiệp nhập khẩu; đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng… Đồng thời, chỉ đạo tăng cường việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ theo Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020; sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả theo Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi: Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương khuyến khích người sản xuất sử dụng ngô sinh khối, phế phụ phẩm trong nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn công nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng và giá sản phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
- Giám sát nguồn cung, giá bán nông sản: (i) Hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và có lãi; (ii) Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, đa ngành; phát triển nông nghiệp tuần hoàn; (iii) Tổ chức lại sản xuất; thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi ngành hàng để phù hợp với yêu cầu của thị trường và giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; (iv) Phát huy công tác khuyến nông cộng đồng; hướng dẫn người dân canh tác hiệu quả, giảm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
- Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản: (i) Tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản địa phương tới thị trường các thành phố lớn thông qua các diễn đàn trọng điểm; (ii) Tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, triển lãm và các phiên chợ, điểm giới thiệu; (iii) Phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại, nâng cao ý thức về đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn chế các vấn đề bất ổn về giá cả...
Để bình ổn giá vật tư nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ và tăng thu nhập cho nông dân; thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp sau:
- Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
- Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian. Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp khó khăn tại địa phương. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
- Tăng cường công tác thông tin, dự báo tình hình cung cầu nông sản. Xây dựng các chương trình truyền thông dài hạn, phạm vi toàn ngành và phát triển các công cụ dự báo thị trường nông sản.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Nam Định; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Nam Định đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Nam Định để trả lời cử tri./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |