TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4657/TCT-CS
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 11 năm 2018
|
Kính gửi: Tổng
cục Hải quan
Tổng cục Thuế nhận được Phiếu lấy ý kiến số 5967/TCHQ-TXNK
ngày 11/10/2018 của Tổng cục Hải quan về việc hóa đơn bán hàng hóa là tài sản
kê biên. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 1 Thông tư số
225/2009/TT-BTC ngày 26/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử
dụng hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà
nước quy định:
“2. Hóa đơn bán tài sản nhà nước được sử dụng khi
bán các loại tài sản sau đây:
a) Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ
trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
- nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị);
b) Tài sản nhà nước bị thu hồi theo quyết định của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Tài sản thu hồi từ các dự án sử dụng vốn nhà nước
(bao gồm cả vốn ODA) khi dự án kết thúc;
d) Tài sản thu hồi được khi thực hiện thanh lý tài
sản nhà nước;
đ) Tài sản nhà nước chưa giao cho cơ quan, tổ chức,
đơn vị nào quản lý, sử dụng.
3. Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước
được sử dụng khi bán các loại tài sản sau đây:
a) Tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước;
b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
theo quy định của pháp luật.
4. Hóa đơn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này
không được sử dụng khi bán các loại tài sản sau đây:
a) Tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp;
b) Tài sản, hàng hóa, dịch vụ không thuộc sở hữu của
nhà nước.”
Tại Điều 58 Nghị định số
127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định:
“Điều 48. Phạm vi và đối tượng bị áp dụng biện
pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá
1. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản
có giá trị để bán đấu giá được áp dụng khi cơ quan hải quan không áp dụng được
biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 27 Nghị định
này hoặc đã áp dụng các biện pháp này mà chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt,
tiền chậm nộp (nếu có) hoặc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị
định này.
2. Đối tượng bị áp dụng:
Cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản
để bán đấu giá khi không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không thanh
toán chi phí cưỡng chế, bao gồm:
a) Cá nhân là lao động tự do không có cơ quan, tổ
chức quản lý lương, thu nhập cố định;
b) Cá nhân, tổ chức không có tài khoản hoặc có số
tiền gửi từ tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng không đủ để áp dụng
biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản;
3. Không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp
người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa
bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 49. Những tài sản sau đây không được kê
biên
1. Đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định
hành chính thuế:
a) Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị
cưỡng chế;
b) Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ
nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình cho người bị cưỡng chế;
c) Công cụ lao động thông thường cần thiết được
dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân và gia đình
người bị cưỡng chế;
d) Quần áo, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu của cá nhân
và gia đình người bị cưỡng chế;
đ) Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương,
bằng khen.
2. Đối với cơ sản xuất, kinh doanh:
a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản
thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để
kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người
lao động;
b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện,
đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh
doanh của doanh nghiệp;
c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an
toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;
d) Cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, an
ninh, quốc phòng;
đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là
các hóa chất độc hại nguy hiểm không được phép lưu hành;
e) Số nguyên - vật liệu, bán thành phẩm đang nằm
trong dây chuyền sản xuất khép kín.
3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn
vốn do ngân sách nhà nước cấp thì không kê biên các tài sản được mua sắm từ nguồn
ngân sách nhà nước mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có
thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thực hiện quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt
động có thu hợp pháp khác thì kê biên các tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn
thu đó để thực hiện quyết định cưỡng chế, trừ các tài sản sau đây:
a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản
thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để
kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản, phục vụ việc ăn giữa ca
cho cán bộ, công chức; ....
b) Nhà trẻ, trường học, các thiết bị, phương tiện,
đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh
doanh của cơ quan, tổ chức;
c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an
toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;
d) Trụ sở làm việc.”
“Điều 58. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản
1. Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận
và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực
hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:
a) Bản sao quyết định cưỡng chế hành chính bằng biện
pháp kê biên tài sản để bán đấu giá;
b) Biên bản bán đấu giá tài sản;
c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu
có).”
Tại Điều 25 Thông tư số
15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đăng ký
xe:
“c) Xe có quyết định cưỡng chế kê biên của cơ quan
có thẩm quyền để bảo đảm việc thi hành thông báo tiền nợ và tiền chậm nộp theo
quy định của pháp luật trong lĩnh vực Hải quan: Hồ sơ theo quy định tại Điều 8,
Điều 9, khoản 2 Điều 10 Thông tư này, kèm theo:
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe; bản sao quyết định
cưỡng chế hành chính bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá, biên bản
bán đấu giá tài sản của cơ quan Tài chính cấp huyện hoặc Trung tâm dịch vụ bán
đấu giá tài sản cấp tỉnh và hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
- Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu (bản sao liên
1 lưu tại cơ quan Hải quan).”
Tại Điều 3 Nghị định số
51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ.
“Điều 3. Loại và hình thức hóa đơn
1. Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận
thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.”
Tại Điều 3 và Khoản 2 Điều 9 Thông
tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị
định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày
17/1/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy
định:
“Điều 3. Loại và hình thức hóa
1. Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận
thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Các loại hóa đơn:
…
c) Hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo
hiểm...”
“Điều 13. Cấp hóa đơn do Cục Thuế đặt in
1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải
là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ
và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu
thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị
gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.
2. Hóa đơn do cơ quan thuế cấp theo từng số tương ứng
với đề nghị của tổ chức, hộ và cá nhân không kinh doanh gọi là hóa đơn lẻ.
Tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân
không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần
có hóa đơn để giao cho khách hàng được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ là loại hóa
đơn bán hàng.
…
Riêng đối với tổ chức, cơ quan nhà nước không thuộc
đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có bán đấu giá
tài sản, trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia tăng được
công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được
cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua.”
Căn cứ quy định nêu trên, cơ quan nhà nước không
thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có bán đấu
giá tài sản, trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia
tăng được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
thì được cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua.
Đề nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan
thành phố Hải Phòng liên hệ với cơ quan Thuế địa phương để được giải quyết theo
quy định.
Tổng cục Thuế có ý kiến nêu trên. Kính chuyển Tổng
cục tổng hợp để trình Bộ./.