TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ
TP.HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 4370/CT-TTr1
V/v: Kiểm đếm hồ sơ
khai thuế; nhập dữ liệu; phân tích rủi ro và lập kế hoạch thanh tra, kiểm
tra.
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 5 năm
2011
|
Kinh gửi:
|
- Các phòng thuộc Cục Thuế;
- Các Chi cục Thuế quận, huyện.
|
Qua kết quả khảo sát tình hình thực hiện công tác kiểm đếm
hồ sơ khai thuế của người nộp thuế (NNT), nhập dữ liệu trong hồ sơ khai thuế vào
cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phân tích rủi ro và xây dựng kế hoạch thanh tra, lập
danh sách kiểm tra thuế năm 2011;
Trên cơ sở báo cáo của Đoàn khảo sát, tiếp theo công văn số 3467/CT-KTNB
ngày 22/4/2011 về việc kiểm đếm hồ sơ khai thuế xác lập và khai thác dữ liệu trong
công tác quản lý thuế, Cục Thuế hướng dẫn chi tiết các nội dung nêu trên như
sau:
1. Những quy định chung.
1.1. Mục đích.
- Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bước đầu về hồ
sơ khai thuế của NNT nhằm chống thất thu thuế và xử lý kịp thời những vi phạm
về thuế.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; cải cách thủ tục
hành chính về thuế và thực hiện một cách khoa học nhất trong công tác kiểm đếm
hồ sơ khai thuế của NNT; nhập dữ liệu trong hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu
quản lý thuế; phân tích rủi ro; xây dựng kế hoạch thanh tra, lập danh sách kiểm
tra thuế (kế hoạch thanh tra, kiểm tra).
1.2. Yêu cầu.
- Thực hiện thống nhất toàn ngành về công tác kiểm đếm hồ sơ
khai thuế của NNT; nhập dữ liệu trong hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu quản lý
thuế; phân tích rủi ro; xây dựng và tiến hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra
thuế.
- Thực hiện thường xuyên chế độ báo cáo các nội dung công
tác nêu trên, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của NNT.
1.3. Phạm vi áp dụng.
- Các quy định về kiểm đếm hồ sơ khai thuế của NNT; nhập dữ
liệu trong hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế; phân tích rủi ro;
xây dựng và tiến hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế nêu tại công văn này, được
áp dụng cho các Phòng, các Chi cục Thuế thuộc và trực thuộc Cục Thuế.
- Hồ sơ khai thuế được nêu tại công văn này là hồ sơ khai
thuế GTGT tháng, hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính theo Quý, hồ sơ quyết toán thuế TNDN và Báo cáo tài chính doanh nghiệp năm.
Các loại hồ sơ khai thuế khác sẽ được kiểm đếm và nhập dữ
liệu vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế theo quy định.
2. Những quy định cụ thể.
2.1. Xác định số lượng hồ sơ khai
thuế phải nộp theo quy định.
Phòng Kê khai và Kế toán thuế tại Cục Thuế; Đội Kê
khai- kế toán thuế và tin học tại Chi cục Thuế (bộ phận KK&KTT) phải thực
hiện rà soát, cập nhật và tổng hợp Danh sách theo dõi NNT phải nộp hồ sơ khai
thuế (theo từng lần phát sinh, tháng, quý, năm, quyết toán thuế…) để xác định
số lượng hồ sơ khai thuế phải tiếp nhận và theo dõi đôn đốc tình trạng kê khai
của NNT.
2.2. Tiếp nhận hồ sơ khai thuế tại cơ
quan thuế.
Việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế của NNT được thực hiện
theo các quy định pháp luật về thuế và quy định của Quy chế hướng dẫn, giải đáp
vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính
thuế của NNT theo cơ chế “một cửa” ban hành kèm theo Quyết định số
78/2007/QĐ-BTC ngày 17/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản hướng
dẫn thực hiện Quy chế “một cửa” của Tổng cục Thuế. Cụ thể:
a) Hồ sơ khai thuế của NNT nộp trực tiếp tại cơ quan
thuế.
Bộ phận KK-KTT cử người có năng lực và trách nhiệm đến bộ
phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ khai thuế của NNT nộp trực tiếp tại cơ quan
thuế. Khi tiếp nhận phải:
+ Kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, đúng thủ tục của hồ sơ
khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Hướng dẫn NNT bổ sung, điều chỉnh hồ sơ khai thuế nếu hồ
sơ chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp pháp, đúng thủ tục quy định.
+ Đối với hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp thuộc diện bị
ngăn chặn (có thông báo bỏ trốn; theo yêu cầu cơ quan điều tra…), thì phải
chuyển hồ sơ khai thuế đến các bộ phận có liên quan để xử lý theo quy định. Kết
quả xử lý là căn cứ để xem xét việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế.
+ Thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đến” theo quy định
(đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi ngày nhận hồ sơ của cơ quan thuế).
b) Hồ sơ khai thuế của NNT nộp qua đường bưu chính.
Bộ phận Hành chính văn thư khi tiếp nhận hồ sơ khai thuế của
NNT nộp qua đường bưu chính phải:
+ Thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đến” theo quy định
(đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi ngày nhận hồ sơ tại cơ quan thuế).
+ Ghi nhận vào Bảng kê ngay khi nhận hồ sơ khai thuế của NNT, trong ngày hoặc chậm nhất
là đầu giờ ngày hôm sau, chuyển hồ sơ kèm Bảng kê cho bộ phận KK&KTT để thực
hiện theo các bước quy định nêu trên.
c) Hồ sơ khai thuế của NNT nộp thông qua giao dịch điện tử.
Trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin NNT (tại Cục); Đội Kê khai- kế toán thuế và tin học (tại Chi cục) sẽ thông qua hệ thống xử lý dữ
liệu điện tử để tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế được nộp thông
qua giao dịch điện tử.
Hồ sơ khai thuế nộp thông qua giao dịch điện tử, các
bộ phận nêu trên phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 180/2010/TT-BTC
ngày 10/11/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực
thuế.
d) Xử lý sau khi tiếp nhận hồ sơ khai thuế của NNT.
Bộ phận KK&KTT, sau 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng; sau 10 ngày kể từ ngày
hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý; sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm, phải thực hiện việc xác định số lượng hồ sơ
khai thuế phải tiếp nhận, đã tiếp nhận và chưa tiếp nhận. Lập bảng tổng hợp tình hình
thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế (có danh sách cụ thể) để báo cáo cho Lãnh đạo
Cục (đối với cấp Cục) và Lãnh đạo Chi cục (đối với cấp Chi cục Thuế), đồng thời
chuyển danh sách NNT chưa nộp hồ sơ khai thuế cho các Phòng/Đội có liên quan để xử lý theo quy định.
- Bảng tổng hợp tình hình thực hiện việc nộp hồ sơ
khai thuế, phải có phân tích chi tiết các trường hợp chưa nộp hồ sơ khai thuế để làm căn cứ theo dõi, đôn đốc và xử lý vi phạm. Việc thực hiện các
nội dung này cần có sự phối hợp đồng bộ với bộ phận thanh tra, kiểm tra theo
quy định.
e) Các vấn đề lưu ý khi tiếp nhận hồ sơ khai thuế của
NNT.
Phiên bản của ứng dụng hỗ trợ kê khai hiện nay là
HTKK 2.5.5 có thể download tại website Tổng cục Thuế www.gdt.gov.vn
Các doanh nghiệp cần phải nâng cấp lên phiên bản này,
để kê khai quyết toán các loại thuế và Báo cáo tài chính theo thông tư 244/2009/TT-BTC
ngày 31/12/2009. Nếu sử dụng phiên bản cũ hơn phiên bản HTKK 2.5.5, cơ quan
thuế sẽ gặp khó khăn trong việc nhập những báo cáo thuế này.
2.3. Nhập hồ sơ khai thuế vào cơ sở
dữ liệu quản lý thuế.
- Trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin NNT tại Cục
Thuế sẽ thực hiện việc nhập hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế .
- Đội kê khai-Kế toán thuế và Tin học tại Chi cục
Thuế sẽ thực hiện việc nhập hồ sơ khai thuế vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế .
- Đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế đã nộp, phải được nhập
vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế.
- Các vấn đề lưu ý khi nhập Quyết toán Thuế TNDN và Báo cáo
tài chính.
Đối với Báo cáo quyết toán Thuế Thu
nhập doanh nghiệp (TNDN):
Một số Chi cục Thuế chỉ nhập Tờ khai
tự quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN, nhưng không nhập các phụ lục quan
trọng khác đính kèm, nên không có số liệu về kết quả hoạt động sản xuất kinh
doanh, số chuyển lỗ... để phân tích rủi ro. Tất cả những phụ lục đi kèm phải
được nhập vào ứng dụng của ngành.
Đối với Báo cáo tài chính doanh
nghiệp (BCTC):
Phải kiểm soát chặt chẽ các trường
hợp NNT phải nộp BCTC. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ khai thuế phải kiểm tra để loại
ra những BCTC nộp mang tính hình thức, thiếu chính xác như: BCTC không có số
liệu, số liệu không rõ ràng, mất số, số liệu chi tiết không đúng với số tổng, không
ghi mã số thuế... dẫn đến việc khi nhập vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế nhưng không khai thác
được.
Phải nhập đầy đủ dữ liệu từ các mẫu
biểu trong bộ BCTC vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế theo quy định.
Khi kiểm tra một số chỉ tiêu trên
BCTC, cần lưu ý một số trường hợp sau để đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh cho
phù hợp:
- Doanh nghiệp sử dụng phần mềm HTKK
với phiên bản cũ hơn phiên bản HTKK 2.5.5.
- Doanh nghiệp lập mẫu biểu không
đúng, không đầy đủ theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày
20/3/2006; Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 và Thông tư
244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn về chế
độ kế toán doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp lập BCTC với đơn vị
tiền là ngoại tệ, nhưng không quy đổi ra VNĐ.
- Doanh nghiệp lập Bảng cân đối kế
toán với đơn vị tiền là ngoại tệ, nhưng trong các báo cáo còn lại thì ghi theo
VNĐ.
- Đối với các doanh nghiệp không sử
dụng phần mềm HTKK để lập BCTC, thường có xu hướng ghi âm những chi tiêu chi
phí, người nhập liệu không chuyển sang số dương khi nhập vào ứng dụng, dẫn đến
số tổng bị sai.
- Một số trường hợp sai mẫu, sai vị
trí các cột trong mẫu như số năm trước, năm nay (ghi ngược), nếu người nhập
liệu không kiểm tra thì sẽ dẫn đến việc nhập sai niên độ.
2.4. Xử lý trường hợp chậm nộp hồ sơ
khai thuế theo quy định.
Bộ phận KK&KTT căn cứ vào kết
quả phân tích chi tiết các trường hợp chưa nộp hồ sơ khai thuế trên Bảng tổng hợp tình
hình thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế, để thực hiện các công việc sau:
- Lập Thông báo yêu cầu NNT nộp hồ
sơ khai thuế theo quy định.
- Trường hợp thông báo bị bưu điện
trả lại (do không tìm thấy địa chỉ của NNT hoặc không có người nhận), thì lập
Phiếu đề nghị giải quyết (phải có đầy đủ thông tin và nội dung vi phạm của NNT)
chuyển cho bộ phận Kiểm tra thuế để thực hiện kiểm tra địa bàn, xác minh sự tồn
tại của NNT và xác định rõ lý do chậm nộp hồ sơ khai thuế.
- Bộ phận Kiểm tra thuế phải tiến
hành xử lý theo quy định nếu qua kiểm tra xác nhận NNT đã bỏ trốn; mất tích;
ngừng hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan thuế và phản hồi kết quả xử
lý cho Bộ phận KK&KTT.
- Nếu trường hợp NNT vẫn còn tồn tại,
nhưng chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, thì bộ phận Kiểm tra thuế phải
phản hồi kịp thời cho Bộ phận KK&KTT để xử lý theo quy định (bao gồm việc xử
phạt về chậm nộp hồ sơ khai thuế, ấn định thuế…).
- Nếu trường hợp NNT vẫn còn tồn
tại, nhưng chậm nộp hồ sơ khai thuế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế,
thì bộ phận Kiểm tra thuế phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở NNT hoặc chuyển
thông tin đến các bộ phận liên quan để kịp thời thanh tra theo quy định.
2.5. Phân tích rủi ro trong hồ sơ
khai thuế.
- Trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin NNT tại Cục
Thuế; Đội kê khai-Kế toán thuế và
Tin học tại Chi cục Thuế sẽ thực hiện việc phân tích hồ sơ khai thuế, đánh giá rủi ro và phân loại doanh
nghiệp.
- Đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế đã nộp, phải được nhập
vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đưa
phân tích theo các tiêu thức do Cục Thuế hướng dẫn để đánh giá rủi ro và phân loại
doanh nghiệp.
- Nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu thức
phân tích rủi ro và tiêu chí xác định thang điểm cho phù hợp với thực tế trong
công tác quản lý thuế, để đánh giá rủi ro, phân loại doanh nghiệp và xây dựng
kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế sẽ có công văn hướng dẫn riêng về các nội
dung này.
- Bảng phân tích hồ sơ khai thuế, đánh giá rủi ro và
phân loại doanh nghiệp phải được hợp pháp hoá để đưa vào lưu trữ cùng với hồ sơ
quản lý thuế theo quy định, nhằm đảm bảo yêu cầu 100% hồ sơ khai thuế được phân
tích, đánh giá rủi ro và phân loại doanh nghiệp.
2.6. Xây dựng kế hoạch thanh tra, lập
danh sách kiểm tra hàng năm.
2.6.1. Nguyên tắc:
- Để tránh trùng lắp đối tượng thanh tra, kiểm tra trong
cùng một niên độ, yêu cầu các Phòng, các Chi cục Thuế khi lập kế hoạch thanh
tra, kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc không đưa vào kế hoạch những doanh
nghiệp đã có kế hoạch thanh kiểm tra của:
+ Cơ quan Thanh tra nhà nước, cơ quan Kiểm toán nhà nước,
+ Cơ quan thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế,
+ Đã có trong kế hoạch thanh tra của các phòng thanh tra.
- Ưu tiên đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra các trường
hợp sau:
+ Các doanh nghiệp phải thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của
Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc theo chỉ đạo của cơ quan thuế cấp trên.
+ Các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế,
được phát hiện từ bên thứ ba.
+ Các doanh nghiệp mới thành lập nhưng có biểu hiện kinh
doanh bất thường, có dấu hiệu của doanh nghiệp chỉ thành lập để kinh doanh hóa
đơn.
+ Các đơn vị có thực hiện giao dịch liên kết; có nhiều chi
nhánh trực thuộc; đơn vị hoạt động kinh doanh lỗ; hoàn thuế giá trị gia tăng
lớn, nhiều kỳ.
+ Các đơn vị nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra để
tránh trường hợp hết thời hiệu truy thu, truy hoàn theo quy định.
+ Các doanh nghiệp có doanh thu và số thu lớn ảnh hưởng
trọng yếu đến dự toán thu của từng đơn vị.
+ Các đơn vị có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh
doanh rộng hoặc có số thu nộp ngân sách lớn bao gồm các ngành nghề, lĩnh vực
như: xi măng, sắt thép, điện tử, bưu chính viễn thông, vận tải biển, tài chính
ngân hàng, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh khách sạn, nhà
hàng, massage, karaoke, kinh doanh xuất nhập khẩu, dược phẩm ...
2.6.2. Yêu
cầu:
- Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo
được các yêu cầu sau:
+ Các Phòng thanh tra, kiểm tra tại Cục sẽ căn cứ vào Bảng phân tích hồ
sơ khai thuế, đánh giá rủi ro và phân loại doanh nghiệp của Trung tâm tích hợp
và lưu trữ thông tin NNT chuyển đến để xây dựng kế hoạch thanh tra, lập danh sách kiểm tra.
+ Các Đội kiểm tra tại Chi cục sẽ căn cứ vào Bảng
phân tích hồ sơ khai thuế, đánh giá rủi ro và phân loại doanh nghiệp của Đội kê
khai-Kế toán thuế
chuyển đến để lập danh sách kiểm tra.
+ Công tác xây dựng kế hoạch phải sát với điều
kiện thực tế; nguồn nhân lực và định hướng chương trình công tác của ngành.
Tránh trường hợp xây
dựng kế hoạch nhiều, thực hiện lại đạt tỉ lệ thấp, dẫn đến bỏ sót đối tượng
thanh tra, kiểm tra hoặc phải chuyển đối tượng thanh tra, kiểm tra sang kế
hoạch năm sau.
+ Để đảm bảo yêu cầu minh bạch trong công tác lập kế hoạch
thanh tra, kiểm tra, đối tượng được đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng
năm phải là những đối tượng có điểm rủi ro cao nhất tính từ trên xuống. Việc
lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc xây dựng kế hoạch
chung cho toàn đơn vị (Phòng, Chi cục).
Do đó, yêu cầu các Phòng, các Chi cục Thuế không xây dựng kế
hoạch thanh tra, kiểm tra theo Nhóm, Đội, địa bàn quản lý, mà phải xây dựng kế
hoạch thanh tra, kiểm tra cho Phòng, Chi cục Thuế, sau đó điều phối kế hoạch
thanh tra, kiểm tra này đến từng Nhóm, Đội để thực hiện.
- Qua kết quả phân tích rủi ro trên cơ sở dữ liệu
quản lý thuế đã được nhập số liệu báo cáo Quyết toán thuế và Báo cáo tài chính
năm, tiến hành lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra giai đoạn 2 (quý 3,4) và dự kiến kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm tiếp theo.
2.6.3. Trình tự xây dựng kế hoạch thanh tra, lập danh sách kiểm tra.
Bước 1: Các Phòng thanh tra, kiểm tra, các Chi
cục Thuế căn cứ vào Bảng phân tích hồ sơ khai thuế, đánh giá rủi ro và phân loại
doanh nghiệp, để sắp xếp lại doanh nghiệp có điểm rủi ro từ cao đến thấp.
Bước 2: Trên cơ sở Bảng phân tích hồ sơ khai
thuế, đánh giá rủi ro và phân loại doanh nghiệp đã được sắp xếp lại doanh
nghiệp có điểm rủi ro từ cao đến thấp, các Nhóm/Đội thanh tra, kiểm tra có
trách nhiệm kết hợp với các thông tin sau:
- Kết quả phân tích hồ sơ khai thuế, đánh giá rủi ro
và phân loại doanh
nghiệp của các năm trước;
- Thông tin có được trong quá trình quản lý đơn vị;
- Kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý thuế ;
- Đặc điểm của từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh
và tính đặc thù của từng địa phương;
- Các doanh nghiệp cần thanh tra theo kế hoạch hàng
năm do các Phòng
Kiểm tra tại Cục, các Chi cục Thuế chuyển thông tin
đến; hoặc thanh tra theo chỉ đạo của Lãnh đạo Cục từ trường hợp đang kiểm tra
chuyển sang thanh tra.
- Các đối tượng ưu tiên đưa vào kế hoạch thanh tra,
kiểm tra đã nêu tại điểm 2.6.1.
Trên cơ sở đó, tiến hành phân loại doanh nghiệp đang
quản lý thành 3 nhóm:
- Nhóm doanh nghiệp tạm thời chấp nhận hồ sơ khai thuế đưa
vào lưu trữ;
- Nhóm doanh nghiệp cần phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
- Nhóm doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch thanh tra, lập danh sách
kiểm tra tại trụ sở NNT.
Bước 3:
- Lập Danh sách từng nhóm theo phân
loại nêu trên, cụ thể:
+Danh sách các DN tạm thời chấp nhận hồ sơ khai thuế đưa vào
lưu trữ;
+Danh sách các DN cần phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế;
+Danh sách các DN cần phải lập kế hoạch thanh tra, lập danh sách
kiểm tra tại trụ sở
NNT.
Từng danh sách, tại phần đầu phải nêu rõ các lý do và căn cứ
để phân loại.
- Danh sách phân loại nêu trên phải được Lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Chi cục kiểm tra phê duyệt, để tổ chức thực hiện và là tài liệu đưa vào lưu trữ cùng với hồ
sơ quản lý thuế tại đơn vị.
2.7. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm
tra.
Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra phải dựa
trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra và
cần lưu ý một số vấn
đề như sau:
2.7.1. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
- Căn cứ kế hoạch kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đã
được Lãnh đạo đơn vị phê duyệt; công chức được phân công tiến hành kiểm tra hồ
sơ khai thuế của NNT tại trụ sở cơ quan thuế, thông qua việc lập thông báo yêu
cầu doanh nghiệp giải trình, bổ sung các vấn đề nghi vấn trong hồ sơ.
- Trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế của NNT
tại trụ sở cơ quan thuế (bao gồm hồ sơ khai thuế tháng, quý, năm), nếu phát
hiện vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
- Ưu tiên việc mở rộng công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm để
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NNT
2.7.2. Kiểm
tra tại trụ sở NNT.
- Căn cứ danh sách kiểm tra tại trụ sở NNT đã được Lãnh
đạo đơn vị phê duyệt, Đoàn kiểm tra được phân công tiến hành các bước thông báo
yêu cầu doanh nghiệp giải trình, bổ sung các vấn đề nghi vấn trong hồ sơ khai
thuế trước khi kiểm tra tại trụ sở NNT theo quy định.
- Trong quá trình Kiểm tra tại trụ sở NNT, phải đảm bảo tính thống nhất về các nội dung kiểm
tra. Cụ thể:
+ Các nghi vấn về số thuế kê khai thể hiện qua kết quả phân
tích rủi ro (điểm số rủi ro của từng chỉ tiêu phân tích) phải được nêu trong
nội dung thông báo yêu cầu doanh nghiệp giải trình, bổ sung;
+ Các nghi vấn về số thuế kê khai sau khi doanh nghiệp giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được thì
phải được đưa vào nội dung của Quyết định Kiểm tra;
+ Biên bản xác lập số liệu kiểm tra, Biên bản kiểm tra,
Quyết định xử lý, xử phạt qua kết quả kiểm tra, phải phù hợp với các nội dung
kiểm tra được ghi nhận trong Quyết định kiểm tra.
- Trước khi ban hành Quyết định kiểm tra tại trụ sở NNT, nếu trong kỳ kiểm tra doanh nghiệp
có lập hồ sơ và đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì
trong Quyết định kiểm tra phải có
nội dung kiểm tra sau hoàn các kỳ hoàn thuế trong giai đoạn nêu trên.
Trong quá trình Kiểm tra tại trụ sở NNT, các nội dung kiểm tra sau hoàn phải được ghi thành Mục
riêng trong Biên bản kiểm tra thuế, để xử lý theo quy định khi phát hiện vi
phạm.
2.7.3. Thanh tra tại trụ sở NNT.
- Căn cứ kế hoạch thanh tra tại trụ NNT đã được Lãnh đạo đơn vị phê duyệt hàng năm; kế hoạch thanh tra bổ
sung; thanh tra theo chỉ đạo của Lãnh đạo Cục từ trường hợp đang kiểm tra
chuyển sang thanh tra, Đoàn thanh tra được phân công sẽ
tiến hành thanh tra tại trụ sở NNT theo quy định.
- Trong quá trình thanh tra tại trụ sở NNT, phải đảm bảo tính thống nhất về
các nội dung thanh tra. Cụ thể:
+ Các nghi vấn về số thuế kê khai thể hiện qua kết quả phân
tích rủi ro (điểm số rủi ro của từng chỉ tiêu phân tích) phải được đưa vào nội
dung của Quyết định thanh tra;
+ Biên bản xác lập số liệu thanh tra, Biên bản thanh tra, Báo
cáo kết quả thanh tra, Kết luận thanh tra, Quyết định xử lý, xử phạt qua kết
quả thanh tra, phải phù hợp với các nội dung thanh tra được ghi nhận trong
Quyết định thanh tra.
- Trước khi ban hành Quyết định thanh tra tại trụ sở NNT, nếu trong kỳ thanh tra doanh
nghiệp có lập hồ sơ và đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trước, kiểm
tra sau thì trong Quyết định thanh tra phải
có nội dung thanh tra sau hoàn các kỳ hoàn thuế trong giai đoạn nêu trên.
Trong quá trình thanh tra tại trụ sở NNT, các nội dung thanh tra sau hoàn phải được ghi thành
Mục riêng trong Biên bản thanh tra thuế, để xử lý theo quy định khi phát hiện
vi phạm.
2.7.4. Tổng kết, báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra.
- Yêu cầu các Phòng, các Chi cục Thuế căn cứ vào kế
hoạch thanh tra, kiểm tra được xây dựng đầu năm và kế hoạch thanh tra, kiểm tra
điều chỉnh/bổ sung giai đoạn 2 (quý 3,4) để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm
tra thuế hàng năm.
- Kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế
phải thực hiện chế độ tổng kết, báo cáo theo quy định. Trong đó cần lưu ý rút
kinh nghiệm từ kết quả thanh tra, kiểm tra để kiểm chứng lại các tiêu thức đánh
giá rủi ro trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, lập danh sách kiểm tra, để
phản hồi kịp thời về Cục Thuế (Tổ nghiên cứu) nhằm có sự điều chỉnh cho phù hợp
với yêu cầu trong công tác quản lý thuế.
3. Tổ chức thực hiện.
Để thực hiện các nội dung nêu trên, Cục Thuế yêu cầu:
3.1. Trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin NNT tại Cục Thuế/Đội kê khai-Kế toán thuế và Tin học
tại Chi cục Thuế.
- Tiến hành kiểm đếm hồ sơ khai thuế, kiểm tra lại số lượng
mẫu biểu có trong hồ sơ khai thuế và tính chính xác, hợp lý của số liệu trước khi
nhập vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế.
- Phối hợp với Phòng Tin học để hướng dẫn, tập huấn cho các Phòng
thanh tra, kiểm tra, các Chi cục Thuế về việc khai thác thông tin của NNT có
trong cơ sở dữ liệu quản lý thuế; phương pháp phân tích rủi ro và thực hiện
công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
3.2. Phòng Kê khai kế toán thuế/Đội KK-KTT tại Chi
cục.
- Định kỳ (tháng, quý, năm) phải thực hiện báo cáo số liệu doanh
nghiệp phải nộp các loại hồ sơ khai thuế theo từng kỳ hạn cho Lãnh đạo Cục, Chi
cục. Nội dung báo cáo bao gồm: số phải nộp, số đã nộp, số chưa nộp. Đồng thời
chuyển thông tin này cho các Phòng, các Đội có liên quan để phối hợp xử lý theo
quy định.
3.3. Các Phòng Kiểm tra thuế/Đội Kiểm tra tại Chi cục.
- Các Phòng Kiểm tra tại Cục Thuế, các Đội Kiểm tra tại Chi
cục Thuế, qua kết quả phân tích rủi ro trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế đã được
nhập số liệu báo cáo Quyết toán thuế và Báo cáo tài chính năm, tiến hành lập kế
hoạch kiểm tra giai đoạn 2 và dự kiến kế hoạch kiểm tra năm tiếp theo.
- Bộ phận thanh tra, kiểm tra nêu trên có trách nhiệm tiếp
nhận các thông tin, Phiếu chuyển từ bộ phận KK-KTT về các hành vi vi phạm trong
lĩnh vực khai thuế, nộp thuế, để kịp thời kiểm tra, xử lý, theo quy định và
phản hồi lại thông tin kiểm tra; xử lý cho bộ phận KK-KTT.
- Phòng Kiểm tra 1 chịu trách nhiệm tiếp nhận danh sách kiểm
tra hồ sơ khai thuế từ các Phòng Kiểm tra, Chi cục Thuế, để tổng hợp báo cáo Lãnh
đạo Cục Thuế.
3.4. Phòng Thanh tra.
- Các Phòng Thanh tra, qua kết quả phân tích rủi ro trên cơ
sở dữ liệu quản lý thuế đã được nhập số liệu báo cáo Quyết toán thuế và Báo cáo
tài chính năm, tiến hành lập kế hoạch thanh tra giai đoạn 2 và dự kiến kế hoạch
thanh tra năm tiếp theo.
- Phòng Thanh tra 1 chịu trách nhiệm tiếp nhận kế hoạch
thanh tra từ các Phòng Thanh tra, để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Cục Thuế.
3.5. Phòng Pháp chế.
- Giám sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện
công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các đơn vị trong ngành thuế,
thông qua việc thẩm định, rà soát các văn bản hành chính về thuế.
- Phối hợp theo thẩm quyền với các Phòng Thanh tra, Kiểm tra,
các Chi cục Thuế và các đơn vị khác trong ngành thuế để hỗ trợ và giải quyết
kịp thời các vướng mắc về pháp lý trong công tác quản lý thuế.
3.6. Phòng Kiểm tra nội bộ.
Xâydựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị về công tác
kiểm đếm hồ sơ khai thuế của NNT; việc nhập dữ liệu trong hồ sơ khai thuế vào
cơ sở dữ liệu quản lý thuế; phân tích rủi ro; xây dựng và tiến hành thực hiện kế
hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm tại các đơn vị.
3.7. Các Phòng chức năng khác.
Các Phòng chức năng khác căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của
mình, để thực hiện công tác tham mưu cho Lãnh đạo Cục về việc triển khai, thực
hiện công tác kiểm đếm hồ sơ khai thuế của NNT; việc nhập dữ liệu trong hồ sơ
khai thuế vào cơ sở dữ liệu quản lý thuế; phân tích rủi ro; xây dựng và tiến
hành thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm tại các đơn vị.
Đề nghị các đồng chí Phó Cục trưởng; Trưởng phòng và Chi cục
trưởng, trong phạm vi và quyền hạn của mình, chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm
các nội dung nêu trên./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế “để báo cáo”;
- BLĐ Cục “để chỉ đạo”;
- Lưu HC-LT,
TTra1.
|
CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Đình Tấn
|