Công văn 4261/TCHQ-TXNK năm 2018 về phân loại linh kiện, bộ phận của máy phát điện do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 4261/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 19/07/2018
Ngày có hiệu lực 19/07/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Trịnh Mạc Linh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4261/TCHQ-TXNK
V/v phân loại hàng hóa

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 580/HQĐNa-TXNK ngày 05/4/2018 của Cục HQ tỉnh Đồng Nai về việc xác định mã số thuế suất linh kiện, bộ phận chi tiết đồng bộ dùng lắp ráp động cơ điện xoay chiều đa pha nhập khẩu của Công ty TNHH Điện cơ Teco VN & vướng mắc chung phân loại chi tiết, linh kiện rời đồng bộ/ không đồng bộ, công văn số 03102017 ngày 10/4/2018 và công văn số TECO-25/06/2018 ngày 25/6/2018 của Công ty TNHH Điện cơ Teco (Việt Nam) kiến nghị, giải trình về việc phân loại linh kiện, bộ phận của máy phát điện nêu trên. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Căn cứ Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực đến ngày 31/12/2017; Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; Trên cơ sở Sáu quy tắc tổng quát Giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới.

1) Quy định về phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời theo Điều 8, Thông tư 14/2015/TT-BTC hoàn toàn tuân thủ theo quy định tại quy tắc 2(a) của 6 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới, theo đó:

“Hàng hóa là những máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thường do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển thực hiện phân loại theo quy tắc 2a của 6 (sáu) quy tắc tổng quát giải thích Hệ thống HS”.

Trên cơ sở thông tin tài liệu do Cục HQ Đồng Nai và Công ty cung cấp thì hàng hóa nhập khẩu là các bộ phận linh kiện và vật tư dùng để sản xuất lắp ráp động cơ điện xoay chiều đa pha, bao gồm: rotor, stator chưa cuốn dây, hộp nối dây, cánh quạt của motor, vỏ ngoài motor, nắp quạt của motor, nắp motor L phía truyền hoặc nắp motor phía truyền (mặt bích), nắp motor F phía quạt, nhãn chỉ dẫn, bu lông treo, bộ ốc vít, vòng bi (bạc đạn), bu lông. Tổng số các bộ phận nhập khẩu chiếm 13/19 tổng số bộ phận, linh kiện và vật tư sản xuất động cơ xoay chiều đa pha.

Qua xem xét quy trình sản xuất thì bên cạnh các công đoạn chỉ đơn thuần là lắp ráp, quy trình sản xuất còn bao gồm các công đoạn gia công sản xuất khác đối với bộ phận stator chứa cuộn dây và vỏ ngoài motor như sau: lõi stator chưa quấn dây sau khi được nhét giấy cách điện và nhồi dây đồng được tiếp tục nhúng vecni (chất cách điện) trong 40 phút và hấp trong lò hấp 12-14h với nhiệt độ 125 độ C; sau đó stator được ép vào vỏ ngoài động cơ và được gia công khoan vít để cố định stator và vỏ. Do vậy bộ phận nhập khẩu stator chưa cuốn dây và vỏ ngoài motor đã phải trải qua các quá trình gia công làm thay đổi hình dạng, tính chất của hàng hóa nhập khẩu (khoan lỗ, thêm lớp cách điện) nên không đáp ứng điều kiện “chỉ đơn thuần lắp ráp” và “không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện” của quy tắc 2(a). Do stator và rotor là 2 bộ phận chính của một động cơ điện, khi không xét đến stator và vỏ ngoài motor thì sự lắp ráp các bộ phận nhập khẩu còn lại không tạo thành hàng hóa mang đặc tính cơ bản của sản phẩm hoàn thiện.

Vì vậy, các mặt hàng bộ phận, linh kiện để sản xuất động cơ điện xoay chiều do Công ty nhập khẩu không đáp ứng điều kiện là hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời để áp dụng quy tắc 2(a) phân loại theo sản phẩm hoàn thiện. Do vậy hàng hóa phải được phân loại rời theo các nhóm thích hợp cho từng bộ phận.

2) Về việc áp dụng quy tắc 2(a) đã có các chú giải quy tắc 2(a) kèm theo để giải thích làm rõ. Đối với cụm từ “Đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện” trong quy tắc 2(a) hiện không được quy định tại văn bản nào. Tuy nhiên tại chú giải quy tắc 3(b) có giải thích các yếu tố xác định đặc trưng cơ bản sẽ khác nhau đối với các hàng hóa khác nhau và có thể xác định theo bản chất của nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành, theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá hoặc theo vai trò của nguyên liệu cấu thành có liên quan đến việc sử dụng hàng hóa. Do vậy, đặc trưng cơ bản của hàng hóa không được cụ thể hóa thành khái niệm mà tùy từng loại hàng hóa cần có sự xem xét, đánh giá thích hợp.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để báo cáo);
- Công ty TNHH Điện cơ Teco Việt Nam (KCN Long Thành, Xã Tam An, Huyện Long Thành, Đồng Nai) (thay trả lời);
- Lưu: VT, TXNK (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trịnh Mạc Linh

 

13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ