Công văn 424/TCHQ-GSQL năm 2003 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 16/TT/BKHCN do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 424/TCHQ-GSQL |
Ngày ban hành | 28/01/2003 |
Ngày có hiệu lực | 28/01/2003 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Đặng Văn Tạo |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 424/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2003 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Ngày 13/12/2002, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 16/TT/BKHCN hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 16 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP NGàY 12/4/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá (công văn sao gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố số 03/TCHQ/VP ngày 02.01.2003), Tổng Cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Đỗi với mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2004/TTLT/BKHCNMT-TCHQ ngày 28/6/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổng Cục Hải quan.
2. Đối với những mặt hàng không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng nhưng công chức hải quan không thể xác định được thì trước hết phải yêu cầu Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá thuộc Tổng Cục Hải quan tiến hành phân tích và kết luận.
3. Trường hợp các Trung tâm của Tổng Cục Hải quan không phân tích kết luận được thì Hải quan trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định có đủ các điều kiện quy định tại phần II của Thông tư 16 dẫn trên.
4. Để có cơ sở cho Hải quan trưng cầu giám định phục vụ quản lý nhà nước về hải quan, tổ chức giám định phải đăng ký ở Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Quy trình đăng ký thực hiện như sau:
a. Các giấy tờ phải nộp khi đăng ký:
- Công văn đăng ký làm dịch vụ giám định phục vụ quản lý nhà nước về hải quan, trong đó cam kết chịu trách nhiệm về tính đầy đủ và đúng đắn của các tài liệu kèm theo;
- Đăng ký con dấu, chữ ký của những người sẽ ký trên các chứng thư giám định;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định (chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận đã được cấp ít nhất 18 tháng đến thời điểm đăng ký);
- Bản sao một trong các chứng chỉ quy định tại điểm 2 phần II Thông tư 16;
- Các giấy tờ giải trình theo các tiêu chí quy định tại điểm 1 phần II Thông tư 16;
+ Tên, chữ ký của các giám định viên phù hợp với quy định tại Điều 7 - Nghị định 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 của Chính phủ.
+ Quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật giám định của từng chi tiêu, từng loại hàng hoá.
Các bản sao phải là sao y bản chính có xác nhận của lãnh đạo tổ chức giám định, khi nộp để đăng ký với cơ quan Hải quan phải xuất trình ngay bản chính để đối chiếu. Khi thay đổi người ký các chứng thư giám định, giám định viên, chỉ tiêu, hàng hoá giám định, phương tiện giám định, quy trình nghiệp vụ kỹ thuật giám định, phải thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã đăng ký bằng văn bản.
b. Quy trình xác nhận đăng ký:
Sau khi nhận được yêu cầu đăng ký của tổ chức giám định, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải:
- Đối chiếu ngay các bản chính với các bản sao;
- Nghiên cứu, xem xét sự đúng quy định, sự phù hợp của các chứng từ;
- Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đăng ký. Cục Hải quan phải có văn bản xác nhận đã đăng ký hoặc trả lời không chấp nhận do không áp ứng đủ, đúng các điều kiện, quy định.
c. Thực hiện trưng cầu giám định:
- Sau khi xác nhận đã đăng ký cho tổ chức giám định, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải thông báo cho các đơn vị trực thuộc biết tên, địa chỉ, năng lực giám định (các mặt hàng, các chỉ tiêu mà tổ chức có khả năng giám định), mẫu dấu, tên, chữ ký giám định viên và người ký chứng thư giám định đã đăng ký.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi việc giám định của các tổ chức giám định, báo cáo kịp thời các sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
d. Xử lý trường hợp tổ chức giám định đưa ra kết luận sai:
Trường hợp Hải quan có căn cứ để xác định rằng tổ chức giám định đã đưa ra kết luận không chính xác thì:
- Nếu kết luận đó không ảnh hưởng đến chính sách quản lý XNK, chính sách đầu tư (cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước), chính sách thuế, giá thì Hải quan sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp. Nếu tái phạm thì ngoài việc xử lý vi phạm, Hải quan sẽ không trưng cầu giám định ở tổ chức giám định đó nữa.
- Nếu kết luận giám định ảnh hưởng đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chính sách đầu tư (ví dụ: kết luận làm cho hàng không được xuất khẩu trở thành hàng được xuất khẩu, hàng xuất khẩu có điều kiện trở thành hàng xuất khẩu tự do, hàng không thuộc diện ưu đãi đầu tư trở thành hàng được ưu đãi...), đến chính sách thuế, giá (làm giảm số thuế phải nộp) thì Hải quan sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và có văn bản thông báo sẽ không trưng cầu giám định ở tổ chức làm dịch vụ giám định đó nữa. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì ngoài việc xử lý như trên, Hải quan sẽ kiến nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định của tổ chức đó.
5. Các hướng dẫn khác:
- Trong thời gian Tổng Cục Hải quan xây dựng 2 trung tâm phân tích, phân loại miền Trung và Miền Nam, để phục vụ yêu cầu thông quan hàng hoá, các trường hợp cần phải phân tích, phân loại hàng hoá ở miền Trung và miền Nam thì Hải quan trưng cầu giám định tại các cơ quan, tổ chức sự nghiệp kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 44/2001/TT-BKHCNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hoặc tại tổ chức giám định có đủ điều kiện qui định tại Thông tư số 16 và hướng dẫn tại văn bản này.
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thông báo rộng rãi hướng dẫn này để các doanh nghiệp làm dịch vụ giám định biết.
- Doanh nghiệp làm dịch vụ giám định đăng ký tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nào thì chỉ các đơn vị trực thuộc trong địa bàn phụ trách của Cục Hải quan tỉnh, thành phố ấy được trưng cầu giám định.
Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện, báo cáo kịp thời vướng mắc về Tổng cục./.
|
TL TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |