Công văn 42325/CT-HTr năm 2016 về chính sách thuế xác định tỷ giá hối đoái dùng trong hạch toán kế toán do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 42325/CT-HTr |
Ngày ban hành | 23/06/2016 |
Ngày có hiệu lực | 23/06/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký | Mai Sơn |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42325/CT-HTr |
Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2016 |
Kính gửi: Công
ty TNHH Inabata Việt Nam
(Địa chỉ: Phòng 902B tòa nhà Mặt Trời Sông Hồng, 23 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn
Kiếm, Thành phố Hà Nội; MST: 0102795154)
Trả lời công văn số IKV-2016-02/CV ngày 24/5/2016 của Công ty TNHH Inabata Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC như sau:
“3. Khoản 1.3 Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái:
a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;
- Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán:
+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế: Khi ghi nhận khoản góp vốn hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; Khi ghi nhận nợ phải thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận nợ phải trả là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch; Khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả) là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.
Việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá hạch toán, Công ty sử dụng tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại thường xuyên có giao dịch tại thời điểm đầu mỗi tháng làm tỷ giá xấp xỉ để hạch toán kế toán toàn bộ các giao dịch có gốc ngoại tệ phát sinh trong tháng theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ Tài chính thì Công ty có thể sử dụng tỷ giá xấp xỉ nêu trên khi lập hóa đơn GTGT.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Inabata Việt Nam được biết và thực hiện./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |