Công văn 4100/LĐTBXH-PC năm 2019 về tuổi và tiêu chí để xác định là người lao động cao tuổi đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các vấn đề liên quan đến sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 4100/LĐTBXH-PC
Ngày ban hành 20/09/2019
Ngày có hiệu lực 20/09/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Mai Đức Thiện
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4100/LĐTBXH-PC
V/v trả lời kiến nghị của Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 7872/VPCP-ĐMDN ngày 03/9/2019 của quý Văn phòng về việc trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Luật Baker Mackenzie Việt Nam hỏi về tuổi và tiêu chí để xác định là người lao động cao tuổi đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các vấn đề liên quan đến sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Về việc xác định tuổi và tiêu chí để được coi là người lao động cao tuổi

- Theo quy định tại Điều 166 và Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động; bao gồm các mốc độ tuổi khác nhau (Khoản 1 quy định độ tuổi là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi; khoản 2 quy định độ tuổi thấp hơn so với khoản 1; khoản 3 quy định độ tuổi cao hơn so với khoản 1).

Hiện không có văn bản nào quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về việc xác định tuổi và tiêu chí để được coi là người lao động cao tuổi được quy định tại Điều 166 và Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012.

- Quy định về độ tuổi để xác định người lao động cao tuổi trong Bộ luật Lao động 2012 đang là một vấn đề vướng mắc. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo đó đã quy định tuổi của người lao động cao tuổi được tính theo khoản 1 của Điều 1701 của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tuy nhiên sẽ phải chờ Quốc hội xem xét thông qua.

2. Về Khoản 2 Điều 29 của Nghị định số 39/2016/NĐ-CP

Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Điều 64 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì:

“2. Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải lập phương án, gửi Bộ có thẩm quyền quản lý ngành với các nội dung cơ bản sau đây:

a) Chức danh nghề, công việc, kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc sử dụng người lao động cao tuổi;

b) Đề xuất và đánh giá từng điều kiện cụ thể sử dụng người cao tuổi quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Bộ quản lý ngành quy định chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được sử dụng người lao động cao tuổi và điều kiện cụ thể trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý”

Do đó, việc sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định của các Bộ quản lý ngành trên cơ sở đề xuất của người sử dụng lao động. Bộ quản lý ngành hay Bộ có thẩm quyền quản lý ngành được xác định theo quy định của Chính phủ.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kính gửi quý Văn phòng để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Công ty TNHH Luật Baker Mackenzie VN;
- Lưu: VT, PC.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Mai Đức Thiện

 



1 Điều 170 của dự thảo Bộ luật quy định về Tuổi nghỉ hưu (bản Chính phủ trình Quốc hội).