Công văn 3930/BGDĐT-TTr năm 2019 hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3930/BGDĐT-TTr
Ngày ban hành 30/08/2019
Ngày có hiệu lực 30/08/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3930/BGDĐT-TTr
V/v hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019 - 2020

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Sở Giáo dục - Khoa học công nghệ Bạc Liêu;
- Cục Nhà trường, Bộ quốc phòng.

Thực hiện Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục (Nghị định số 42/2013/NĐ-CP); Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT); Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Ban hành khung thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018; Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục (Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT) và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019-2020 như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

Tập trung rà soát tình hình, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học để xây dựng kế hoạch thanh tra trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề nóng, phức tạp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra; tiếp tục chuẩn hóa quy trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng

1. Quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Giáo dục; tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, Kết luận số 51/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng GDĐT về công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn về công tác kiểm tra nội bộ năm học 2019-2020 phù hợp với tình hình giáo dục của địa phương;

3. Rà soát, tiếp tục triển khai, tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án đổi mới thanh tra giáo dục).

II. Kiện toàn đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra

1. Bố trí đủ lực lượng Thanh tra Sở theo yêu cầu về vị trí việc làm để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật như Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, công chức phụ trách thanh tra giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và việc xử lý sau thanh tra để bố trí đội ngũ đáp ứng với việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cụ thể:

- Bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên kịp thời, không để tình trạng thiếu lãnh đạo Thanh tra sở và công chức làm nhiệm vụ thanh tra chưa bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra;

- Phối hợp với Thanh tra tỉnh bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo cho công chức Thanh tra sở;

Sở GDĐT Bình Phước tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh tổ chức bộ máy của Sở đảm bảo có Thanh tra sở theo quy định tại Điều 23 Luật thanh tra 2010.

2. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên thanh tra giáo dục (CTVTTGD) và công nhận CTVTTGD theo quy định hiện hành (Thông tư số 24/2016/TT-BGDĐT ngày 14/11/2016 của Bộ GDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ CTVTTGD (Thông tư số 24); Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21/12/2012 của Bộ GDĐT quy định về CTVTTGD (Thông tư số 54); Thông tư số 31/2014/TT-BGDĐT ngày 16/9/2014 của Bộ GDĐT (Thông tư số 31) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 54). Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho đội ngũ quản lý các cơ sở giáo dục và CTVTTGD đầu năm học.

III. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra

1. Xây dựng kế hoạch

a) Nội dung thanh tra, kiểm tra cần trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục theo Chỉ thị số 2268/CT-BGDDT. Số lượng các cuộc thanh tra phù hợp tình hình thực tế và công tác quản lý nhà nước về giáo dục của địa phương. Tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cụ thể:

- Đối với giáo dục mầm non: Việc tổ chức mạng lưới trường lớp học, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục;

- Đối với giáo dục phổ thông: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; công tác tuyển sinh đầu cấp; việc sử dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường; việc đánh giá xếp loại học sinh các lớp cuối cấp;

- Đối với các nội dung khác thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, cơ sở giáo dục: Dạy thêm, học thêm; thu chi đầu năm học; an toàn trường học; thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; việc cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ; hoạt động liên kết đào tạo; tư vấn du học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; thực hiện chế độ chính sách đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; quản lý hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài ...

b) Trong kế hoạch thanh tra, cần phân biệt rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, nêu cụ thể nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời gian thanh tra, đơn vị phối hợp; có phương án dự phòng để thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

c) Thực hiện việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ Quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hoặc chuyển sang hình thức kiểm tra do Thanh tra sở chủ trì.

Lưu ý: Không thanh tra quá 02 lần trong một năm học đối với một đơn vị (trừ các cuộc thanh tra thi, thanh tra đột xuất).

2. Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra

a) Tổ chức thực hiện thanh tra

Triển khai các cuộc thanh tra theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra có liên quan, trong đó tập trung những nội dung sau:

- Chuẩn bị thanh tra: cần tăng cường thu thập thông tin, tài liệu, khảo sát tình hình để ban hành quyết định thanh tra sát thực tế, đúng vấn đề trọng tâm (lưu ý đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn của Trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra);

[...]