Công văn 3858/BNN-HTQT bổ sung tăng nguồn kinh phí thực hiện dự án phòng chống dịch cúm gia cầm do FAO quản lý do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3858/BNN-HTQT
Ngày ban hành 29/12/2011
Ngày có hiệu lực 29/12/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Diệp Kỉnh Tần
Lĩnh vực Đầu tư,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3858/BNN-HTQT
V/v Bổ sung tăng nguồn kinh phí thực hiện dự án phòng chống dịch cúm gia cầm do FAO quản lý

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) nhận được công hàm số FAOR 56/11 ngày 29/11/2011 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc tại Việt Nam (FAO) thông báo Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) quyết định tiếp tục tài trợ Giai đoạn V của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) tại Việt Nam” (OSRO/RAS/604/USA) về phòng chống cúm gia cầm độc lực cao do FAO quản lý với tổng kinh phí bổ sung là 1.900.000 USD. Hoạt động của dự án này tại Việt Nam được tóm tắt như sau:

1. Tên dự án: Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI).

2. Cơ quan đối tác thực hiện Dự án tại Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Cơ quan quản lý dự án: Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO)

4. Mục tiêu của dự án:

Mục tiêu tổng thể của dự án là nhằm giảm thiểu và ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm, giảm nguy cơ lây nhiễm và tác động đến con người và tránh khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người do vi-rút H5N1.

5. Quá trình thực hiện dự án:

Giai đoạn I: Dự án được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ tháng 10 năm 2006 đến hết tháng 9 năm 2007 với tổng kinh phí tài trợ cho Việt Nam là 2.000.000 USD.

Giai đoạn II: Dự án được USAID tiếp tục hỗ trợ 3.100.000 USD để thực hiện từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 9 năm 2008.

Giai đoạn III: Dự án tiếp tục được thực hiện với nguồn kinh phí bổ sung là 3.300.000 USD cho giai đoạn từ tháng 10 năm 2008 đến hết tháng 9 năm 2009. Tiếp đó, dự án được gia hạn thêm 1.075.000 USD cho đến hết tháng 9 năm 2010.

Giai đoạn IV: Dự án tiếp tục được phê duyệt thực hiện từ tháng 10 năm 2010 đến hết tháng 9 năm 2011 với đóng góp bổ sung của Chính phủ Hoa Kỳ là 2.200.000 USD.

Tính đến tháng 10 năm 2011, Dự án đã được thực hiện qua 4 giai đoạn với tổng kinh phí hỗ trợ là 11.675.000 USD. Qua 5 năm thực hiện dự án từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 9 năm 2011, dự án đã góp phần đáng kể vào nỗ lực khống chế và phòng chống dịch cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam cũng như tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh cho các cơ quan Chính phủ của Việt Nam.

Hiện tại, theo thông báo từ phía nhà tài trợ (USAID) và cơ quan quản lý dự án (FAO), dự án sẽ được hỗ trợ tiếp tục thực hiện giai đoạn V với tổng kinh phí cho 12 tháng (từ tháng 10 năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2012) là 1.900.000 USD, nâng tổng đóng góp của Nhà tài trợ cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án lên 13.575.000 USD.

6. Nội dung Giai đoạn V của dự án tại Việt Nam:

Mục tiêu:

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn này là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm nhằm giảm thiểu sự lây lan và nguy cơ lây nhiễm sang người và góp phần giảm đáng kể nguy cơ đại dịch cúm ở người từ vi-rút cúm gia cầm H5N1 vào cuối tháng 9 năm 2012 và tiếp tục tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về cúm gia cầm ở Việt Nam cũng như các mối đe dọa bệnh dịch khác tác động đến sức khỏe con người và nền kinh tế.

Thời gian thực hiện: 12 tháng (từ tháng 10 năm 2011 đến hết tháng 9 năm 2012).

Kinh phí bổ sung: 1.900.000 USD (Một triệu chín trăm nghìn Đô la Mỹ)

Cơ quan quản lý dự án: FAO

Cơ quan đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam: Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Các hoạt động chủ yếu của dự án tại Việt Nam:

Trong giai đoạn V, dự án vẫn tiếp tục triển khai các hợp phần hoạt động như các giai đoạn trước, dự án sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ xây dựng năng lực khống chế dịch bệnh theo vùng. Giai đoạn V sẽ duy trì những hoạt động quan trọng đối với công tác phòng chống cúm gia cầm độc lực cao như giám sát, phát hiện, điều tra, ứng phó dịch, hỗ trợ phòng thí nghiệm, điều tra dịch tễ học và xây dựng năng lực. Các hoạt động của các hợp phần đã được điều chỉnh dựa trên kết quả các hoạt động đã thực hiện cho đến nay và phát triển cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai tập huấn, mua sắm và hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hoạt động chủ yếu sau:

a) Hỗ trợ xây dựng các kế hoạch, chiến lược phòng ngừa và ứng phó dịch phù hợp, các chương trình khống chế dịch theo vùng;

b) Hỗ trợ đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh cúm gia cầm tại các cấp;

c) Tăng cường năng lực điều tra dịch bệnh và mạng lưới dịch tễ;

d) Thúc đẩy công tác an toàn sinh học và tăng cường năng lực phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh động vật;

[...]