Công văn số 3851/LĐTBXH-TL của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tăng cường quản lý nhà nước về lao động

Số hiệu 3851/LĐTBXH-TL
Ngày ban hành 01/11/2006
Ngày có hiệu lực 01/11/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3851/LĐTBXH-TL
V/v: tăng cường quản lý nhà nước về lao động

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2006 

 

Kính gửi:

Đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 134/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp bàn biện pháp xử lý vấn đề đình công trong giai đoạn tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các việc sau:

1/ Chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc những công việc đã được Thủ tướng Chính phủ phân công trong Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg gồm các nội dung cụ thể như sau:

a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trên đài truyền hình, đài phát thanh, báo địa phương và các hình thức tổ chức tuyên truyền phù hợp tại doanh nghiệp, khu lưu trú của người lao động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật và nhận thức đầy đủ quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

Các vấn đề có tính chất chuyên sâu như nội quy lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; tiền lương; bảo hiểm xã hội; thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công tác an toàn, vệ sinh lao động; những chính sách mới thì tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người sử dụng lao động, người làm công tác nhân sự, tiền lương và ủy viên Ban chấp hành công đoàn trong doanh nghiệp.

b) Có kế hoạch yêu cầu, đôn đốc doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở đẩy nhanh việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định tại Nghị định số 196/CP ngày 13 tháng 12 năm 1994 quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về thỏa ước lao động tập thể, Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 196/CP và các Thông tư hướng dẫn thực hiện.

c) Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về tiền lương để áp dụng trong doanh nghiệp và có trách nhiệm giữ bí mật thang lương, bảng lương của doanh nghiệp.

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng, nhất là vào thời Điểm cuối năm và Tết âm lịch, doanh nghiệp phải công bố công khai mức lương, mức thưởng, thời gian trả lương, trả thưởng để người lao động biết, tránh tình trạng doanh nghiệp nợ tiền lương, tiền thưởng của người lao động.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động ở doanh nghiệp, trước hết ở những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động, xử lý kiên quyết, kịp thời những doanh nghiệp cố tình không thực hiện pháp luật lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ và thông báo công khai những doanh nghiệp bị xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

e) Lập đường dây thông tin nóng, hệ thống mạng Internet (ở những nơi có Điều kiện) giữa doanh nghiệp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện; Phòng Lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để doanh nghiệp, người lao động phản ánh, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương biết và có biện pháp giải quyết kịp thời.

2/ Kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động gồm: Hội đồng hòa giải lao động cơ sở; Hòa giải viên lao động cấp quận, huyện; Trọng tài lao động cấp tỉnh; Tòa Lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Những tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp cần thành lập Ban chỉ đạo tăng cường chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố là Trưởng ban và các Sở, ban ngành có liên quan là thành viên; thành lập tổ công tác liên ngành để giúp UBND tỉnh, thành phố nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các cuộc đình công trên địa bàn; xây dựng quy chế phối hợp giải quyết đình công không theo đúng quy định của pháp luật lao động. Thành phần tổ công tác gồm đại diện các Sở, ngành:

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, làm Tổ trưởng;

- Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (nếu có);

- Công an tỉnh, thành phố;

- Chủ tịch UBND các quận, huyện;

- Sở, ban ngành có liên quan.

Quy chế phối hợp giải quyết đình công cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ công tác, nhiệm vụ của từng thành viên; quy trình giải quyết tranh chấp; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc cung cấp thông tin và hợp tác với Tổ công tác tổ chức giải quyết tranh chấp và trách nhiệm của người lao động trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn công cộng, nội quy của doanh nghiệp.

3/ Chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình đình công:

a) Khi đình công xảy ra trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận, huyện, Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế có biện pháp sớm ổn định tình hình, thông báo kịp thời cho tổ công tác liên ngành của tỉnh, thành phố biết để phối hợp giải quyết.

b) Thông qua đường dây thông tin nóng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối theo dõi tình hình đình công, báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố và thông tin kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo số máy 04 8252236 hoặc 04 9362925 trong giờ hành chính hoặc 04 8269521 ngoài giờ hành chính. Hàng tháng, có trách nhiệm tổng hợp tình hình đình công, phân tích nguyên nhân và các biện pháp giải quyết đình công báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (biểu tổng hợp kèm theo) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4/ Chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường lực lượng thanh tra lao động bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ở cấp tỉnh và ở những quận, huyện có nhiều doanh nghiệp.

5/ Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sớm thành lập tổ chức công đoàn cơ sở theo quy định tại Nghị định số 96/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ để thực hiện vai trò tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở doanh nghiệp.

6/ Định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để trao đổi chủ trương, chính sách của Nhà nước, tập hợp và giải quyết kịp thời các vướng mắc của các nhà đầu tư.

Đề nghị Đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội./.

 

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ