Công văn 3842/BTP-BTTP hướng dẫn việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân sang tổ chức hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 3842/BTP-BTTP |
Ngày ban hành | 28/10/2010 |
Ngày có hiệu lực | 28/10/2010 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Đỗ Hoàng Yến |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3842/BTP-BTTP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình
Trả lời Công văn số 591/STP-BTTP ngày 8/7/2010 của Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình về đề nghị hướng dẫn việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân sang tổ chức hành nghề công chứng, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Luật công chứng năm 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã phân biệt rõ hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực. Để triển khai chủ trương này của Luật công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, tại điểm 8 Thông tư này đã hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà, đất sang tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn cấp huyện mà các tổ chức hành nghề công chứng đảm đương được hoạt động. Tiếp đó, ngày 19/10/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó tại điểm b, khoản 4, Điều 26 Nghị định này có quy định giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm: “Thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương để đáp ứng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; xem xét, quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang thực hiện sang tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn cấp huyện mà tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng được yêu cầu công chứng.”
Cũng trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 978/BTP-HCTP ngày 2/4/2009 gửi các Sở Tư pháp; Công văn số 1939/BTP-BTTP ngày 18/6/2009 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công văn số 3745/BTP-BTTP ngày 26/10/2009 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, đôn đốc chuyển giao việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch sang tổ chức hành nghề công chứng theo tinh thần Luật công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. Hiện nay đã có 61/ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyết định chuyển giao giai đoạn 1. Về việc tiếp tục thực hiện chuyển giao giai đoạn 2, đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, Đề án quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, sự phát triển và khả năng đáp ứng của các tổ chức hành nghề công chứng trên các địa bàn cấp huyện chưa thực hiện việc chuyển giao để tiếp tục tham mưu thực hiện việc chuyển giao giai đoạn 2. Việc chuyển giao phải bảo đảm thuận tiện cho nhân dân trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng như không phải đi lại quá xa, số lượng và năng lực hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng được yêu cầu công chứng của nhân dân trên địa bàn ...
Đối với những xã cách xa trung tâm huyện từ 20km đến 30 km thậm chí lên tới 80km đến 90 km như trong Công văn nêu thì nếu chỉ có 1 tổ chức hành nghề công chứng tọa lạc ở trung tâm huyện sẽ không thuận tiện cho nhân dân trong việc đi lại để thực hiện yêu cầu công chứng. Những vấn đề này phải được nghiên cứu, có khảo sát thực tế tại địa bàn để xem xét, quyết định chuyển giao cho phù hợp.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp gửi Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, thực hiện.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |