Công văn 3586/TCHQ-GSQL năm 2022 về giám sát hải quan đối với mặt hàng cát kinh doanh tạm nhập tái xuất do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 3586/TCHQ-GSQL |
Ngày ban hành | 30/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 30/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Nguyễn Bắc Hải |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3586/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Để tránh việc lợi dụng xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên trong nước thông qua hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng cát sông tự nhiên kinh doanh tạm nhập tái xuất ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 82, Điều 83, Điều 84 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 56, khoản 57 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện một số nội dung sau:
1. Về công tác giám sát hải quan:
- Mặt hàng cát kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được chuyên chở trong phương tiện có thể niêm phong hải quan. Trường hợp phương tiện chứa hàng không có nắp thì phải phủ bạt kín để đảm bảo niêm phong hải quan.
- Phương tiện vận chuyển cát tạm nhập tái xuất phải niêm phong bằng seal định vị để Chi cục hải quan làm thủ tục giám sát trong suốt quá trình vận chuyển.
- Hàng hóa tạm nhập phải tái xuất ngay. Trường hợp chưa tái xuất ngay thì phải lưu giữ tại khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu tạm nhập hoặc cửa khẩu tái xuất theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 82 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất bố trí cán bộ công chức tổ chức giám sát đảm bảo không để lợi dụng đưa cát có nguồn gốc trong nước vào xuất khẩu.
- Hàng hóa không được phép thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất. Việc thay đổi phương tiện vận tải chỉ được thực hiện tại cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất và dưới sự giám sát của cơ quan hải quan.
2. Về công tác phối hợp giữa các Chi cục Hải quan:
Việc giám sát hải quan từ Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện bằng Biên bản bàn giao theo Mẫu 10/BBBG/GSQL Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC, cụ thể:
- Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
+ Thực hiện gắn seal định vị trên phương tiện vận tải hàng hóa kinh doanh TNTX trước khi phê duyệt vận chuyển và xử lý các thông tin cảnh báo từ Hệ thống theo Quy trình sử dụng seal định vị ban hành kèm theo Quyết định số 138/QĐ-TCHQ ngày 21/01/2020 của Tổng cục Hải quan.
+ Lập 03 Biên bản bàn giao hàng hóa theo Mẫu 10/BBBG/GSQL nêu trên, giao 02 Biên bản bàn giao cho người khai hải quan để vận chuyển cùng hàng hóa và giao cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa chuyển đến để làm tiếp thủ tục theo quy định.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
+ Thu hồi seal định vị trên Hệ thống, kiểm tra tình trạng nguyên vẹn của seal định vị điện tử, trường hợp seal có dấu hiệu bị cậy, mở thì báo cáo lãnh đạo Chi cục để quyết định kiểm tra thực tế 100% phương tiện vận tải.
+ Tiếp nhận biên bản bàn giao từ người khai hải quan và kiểm tra các thông tin về Biên bản bàn giao, kiểm tra tình trạng seal định vị, đối chiếu số niêm phong thực tế với số niêm phong hải quan trên biên bản bàn giao. Kết quả phù hợp thì xác nhận trên 02 Biên bản bàn giao (lưu 01 Biên bản và giao người khai hải quan 01 Biên bản).
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
|
TL.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |