Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 3444/BHXH-PT-CST năm 2014 hướng dẫn tạm thời thực hiện bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp từ ngày 01/01/2015 do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 3444/BHXH-PT-CST
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội
Người ký Huỳnh Thị Mai Phương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI
TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3444/BHXH-PT-CST
V/v hướng dẫn tạm thời thực hiện BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/01/2015

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã;
- Các phòng nghiệp vụ.

 

Thực hiện Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là BHXH huyện) tạm thời thực hiện một số nội dung sau:

I. Thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN):

Kể từ ngày 01/01/2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không căn cứ số lượng lao động đơn vị đang sử dụng) đều thuộc đối tượng tham gia BHTN theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm số 38/2013/QH13.

Đối với trường hợp người lao động làm việc theo HĐLĐ, HĐLV có thời hạn trước tháng 01/2015 và vẫn còn giá trị trong năm 2015 chưa được tham gia BHTN, từ 01/01/2015 thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.

II. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN:

Trường hợp người lao động đang thực hiện nhiều HĐLĐ thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN như sau:

- Tham gia BHXH: căn cứ HĐLĐ có mức tiền lương, tiền công cao nhất hoặc HĐLĐ, HĐLV có thời gian dài nhất, tối đa bằng 20 lần lương cơ sở.

- Tham gia BHYT: căn cứ HĐLĐ có mức tiền lương, tiền công cao nhất, tối đa bằng 20 lần lương cơ sở.

- Tham gia BHTN: căn cứ mức tiền lương, tiền công tại HĐLĐ giao kết đầu tiên, tối đa:

+ Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần lương mức lương cơ sở.

+ Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Mức tiền lương tiền công làm căn cứ đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần lương mức lương vùng.

III. Thu bảo hiểm y tế (BHYT):

3.1. Tham gia BHYT theo hộ gia đình

3.1.1. Đối tượng

Từ ngày 01/01/2015 đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự đóng chỉ thực hiện thu theo hộ gia đình tham gia BHYT.

- Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

- Người sống trong cùng hộ gia đình, không có tên trong sổ hộ khẩu nhưng có đăng ký tạm trú từ trên 12 tháng thì vẫn thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Người có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có mặt tại địa phương và có khai báo tạm vắng từ trên 12 tháng theo quy định của pháp luật thì không được tính là đối tượng tham gia BHYT của hộ gia đình.

- Trường hợp hộ gia đình có người đã có thẻ theo đối tượng khác: kê khai rõ đã tham gia theo đối tượng nào.

- Đối với các trường hợp đang tham gia BHYT tự nguyện từ năm 2014 trở về trước, nộp tiền BHYT để tham gia tiếp trong năm 2015: trước mắt được cấp thẻ BHYT có thời hạn sử dụng tương đương số tiền BHYT đã đóng. Bảo hiểm xã hội huyện thông báo cho đại lý thu hướng dẫn người tham gia kê khai theo hộ gia đình để lần tham gia tiếp theo thực hiện tham gia theo đúng quy định tại khoản 3 điều 13 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13.

Lưu ý: Đối tượng thân nhân người lao động đã tham gia BHYT năm 2014 kể từ ngày 01/01/2015 tham gia theo hộ gia đình.

3.1.2. Mức đóng

- Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

- Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng như trên, theo điểm g, khoản 1, điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP.

3.1.3. Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng

- Tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính, thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng tiền.

Lưu ý: Trường hợp đã tham gia BHYT tự nguyện từ trước, thẻ còn giá trị sử dụng trong năm 2015, nếu tham gia liên tục thì thẻ mới có thời hạn sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ trước; các thành viên khác trong hộ gia đình tham gia lần đầu thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng tiền.

[...]