Công văn số 340/LĐ-TBXH về việc xây dựng và đăng ký thỏa ước lao động tập thể do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 340/LĐ-TBXH
Ngày ban hành 07/02/2003
Ngày có hiệu lực 07/02/2003
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Kim Lý
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 340/LĐ-TBXH
V/v xây dựng và đăng ký thỏa ước lao động tập thể

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 02 năm 2003

 

Kính gửi:

- Sở, Ngành, Tổng công ty đóng trên địa bàn TP
- Ban Quản lý KCX-KCN thành phố
- Phòng Lao động – TBXH (Phòng VH-XH) quận, huyện
- Các doanh nghiệp, các cơ sở SXKD thuộc các thành phần sở hữu, đóng trên địa bàn TP

 

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần sở hữu căn cứ các nội dung quy định tại chương V Bộ luật Lao động và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Nghị định 196/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ, Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 196/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thỏa ước lao động tập thể và tình hình đặc điểm cụ thể của mình tiến hành và xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

Để việc đăng ký thỏa ước lao động tập thể được thực hiện thống nhất, Sở Lao động và Thương binh xã hội thành phố hướng dẫn Quy trình ký kết và thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như sau:

I. QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ KÝ KẾT THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

1. Đề xuất yêu cầu thương lượng và tổ chức thương lượng

- Mỗi bên đều có quyền đề xuất yêu cầu ký kết thỏa ước lao động tập thể và đưa ra nội dung cần thương lượng. Nội dung cần thương lượng phải xây dựng thành văn bản.

- Bên nhận yêu cầu phải chấp nhận việc thương lượng và chủ động gặp bên yêu cầu thương lượng để thỏa thuận về chương trình, kế hoạch, thời gian, số lượng và danh sách đại diện tham gia thương lượng.

+ Số lượng đại diện thương lượng của hai bên do hai bên thỏa thuận.

+ Số lượng đại diện cho bên tập thể lao động là BCH công đoàn cơ sở, hoặc BCH công đoàn lâm thời.

+ Số lượng đại diện cho bên người sử dụng lao động bao gồm các thành viên trong BGĐ hoặc người sáng lập doanh nghiệp.

+ Thời gian bắt đầu thương lượng tiến hành chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng.

- Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức để hai bên tiến hành thương lượng, kết quả thương lượng là căn cứ để xây dựng thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

+ Hai bên thương lượng chuẩn bị nội dung thương lượng.

+ Tiến hành thương lượng, thỏa thuận trên cơ sở xem xét các yêu cầu và nội dung của mỗi bên. Quá trình thương lượng phải có biên bản ghi rõ những điều khoản hai bên đã thỏa thuận, những điều khoản chưa thỏa thuận được.

+ Hai bên thống nhất và hoàn thiện dự thảo thỏa ước lao động tập thể.

2. Tổ chức lấy ý kiến tập thể lao động về nội dung của thỏa ước lao động tập thể

- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc BCH công đoàn lâm thời tổ chức cho người lao động được thảo luận, góp ý nội dung của thỏa ước lao động tập thể từ tổ công đoàn.

- Tổ chức lấy ý kiến tập thể lao động bằng cách lấy chữ ký hoặc biểu quyết sau khi tổ chức cho người lao động thảo luận, góp ý về nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

- Lập biên bản kết quả lấy ý kiến.

+ Biên bản phải ghi rõ tổng số người được lấy ý kiến, trong đó số người tán thành, số người không tán thành; những điều khoản không tán thành và tỷ lệ không tán thành.

+ Nếu có trên 50% số lao động trong tập thể lao động tán thành thì hai bên tiến hành tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể.

3. Tổ chức lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể

- Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp phải có đủ chữ ký của đại diện hai bên:

+ Đại diện tập thể người lao động là chủ tịch công đoàn.

+ Đại diện người sử dụng lao động là giám đốc hoặc người sáng lập doanh nghiệp.

Nếu cấp trưởng vắng mặt thì cấp phó thay bằng giấy ủy quyền của cấp trưởng.

- Đơn vị có số lượng lao động nhiều và ở nhiều địa điểm khác nhau thì tổ chức Hội nghị đại biểu (Đại hội đại biểu công nhân viên chức). Số lượng đại biểu được cử tham dự Hội nghị do hai bên quyết định nhưng ít nhất cũng phải từ 15% - 20% tổng số lao động của đơn vị.

[...]