Công văn 34/TCHQ-PC năm 2019 về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu theo thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 34/TCHQ-PC |
Ngày ban hành | 02/01/2019 |
Ngày có hiệu lực | 02/01/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Mai Xuân Thành |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Tài chính nhà nước |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/TCHQ-PC |
Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2019 |
Kính gửi: |
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; |
Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố về vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành để xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi chờ quy định phân cấp của Bộ Tài chính, trên cơ sở ý kiến của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính tại công văn số 118/QLCS-VP ngày 08/11/2018, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm do người có thẩm quyền của cơ quan Hải quan ra quyết định tịch thu theo thủ tục hành chính như sau:
1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có quy định việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
Tuy nhiên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành ngày 21/6/2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định quản lý nhà nước đối với tài sản công. Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản bị tịch thu thuộc nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, là một loại tài sản công, theo đó tại các Điều 109, Điều 110 và Điều 111 của Luật quy định cụ thể các hình thức và trình tự, thủ tục các biện pháp xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Do đó, việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
2. Căn cứ các hình thức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu quy định tại Điều 109 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan (dưới đây gọi là đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm) nơi có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng loại tang vật, phương tiện vi phạm của từng vụ việc để báo cáo người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư 57/2018/TT-BTC.
3. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu:
- Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, đối với tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu là nhà, xe ô tô, tang vật, phương tiện vi phạm khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản và tang vật, phương tiện vi phạm mà đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm đề xuất phương án điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương quản lý, sử dụng: Bộ trưởng Bộ Tài chính (với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về tài sản công, qua Cục Quản lý công sản) quyết định phê duyệt phương án xử lý.
- Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, đối với tang vật, phương tiện còn lại: Bộ trưởng Bộ Tài chính (với vai trò là Bộ quản lý ngành/lĩnh vực, qua Cục Kế hoạch - Tài chính) quyết định hoặc phân cấp quyết định phê duyệt phương án xử lý. Hiện nay Bộ Tài chính (với vai trò là Bộ quản lý ngành/lĩnh vực) chưa có quy định về việc phân cấp phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.
Do đó, đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm gửi báo cáo đề xuất phương án xử lý tài sản (kèm 01 bản sao Quyết định tịch thu) về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ quản trị) để tổng hợp, trình Bộ phê duyệt.
4. Căn cứ quyết định phê duyệt của Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm có trách nhiệm xử lý tài sản theo phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu đã được phê duyệt và quy định tại Điều 111 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |