Công văn 3330/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2016 hướng dẫn thực hiện tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 3330/BGDĐT-NGCBQLGD |
Ngày ban hành | 07/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 07/07/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phùng Xuân Nhạ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3330/BGDĐT-NGCBQLGD |
Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2016 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và đào tạo; |
Để nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở địa phương, đáp ứng yêu cầu chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong các nhà trường phổ thông, góp phần thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh trên cả nước theo yêu cầu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, cụ thể như sau:
1. Các sở giáo dục và đào tạo
1.1. Thực hiện công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ nói chung và giáo viên tiếng Anh nói riêng trên cơ sở quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên (theo Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo); có thể vận dụng linh hoạt 30 tiết dành cho địa phương và các tiết tự chọn trong quy chế để bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên dạy môn tiếng Anh.
1.2. Rà soát năng lực, phân loại trình độ và lập kế hoạch bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phù hợp với trình độ thực tế của giáo viên, yêu cầu của công tác quản lý và điều kiện thực tế của địa phương theo lộ trình trong từng giai đoạn. Việc xây dựng kế hoạch phải triển khai đồng bộ ở từng cấp quản lý và từng giáo viên; ưu tiên bồi dưỡng giáo viên cận chuẩn trước; đảm bảo bồi dưỡng chất lượng, hiệu quả, tránh áp đặt và đồng loạt.
1.3. Phối hợp với các đơn vị bồi dưỡng trong công tác chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh; lưu ý lựa chọn đơn vị bồi dưỡng độc lập với đơn vị đánh giá đầu vào, đánh giá đầu ra để đảm bảo tính khách quan và chất lượng bồi dưỡng.
1.4. Chỉ đạo các nhà trường quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực dạy học cho giáo viên tiếng Anh trên cơ sở phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để đạt chuẩn; khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng thông qua sử dụng các phần mềm, các chương trình học trực tuyến, học kết hợp, các nguồn học liệu mở phù hợp với yêu cầu đổi mới dạy và học tiếng Anh đã được phát triển bởi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có uy tín và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định; tạo điều kiện về thời gian, công việc và kinh phí theo quy định để giáo viên an tâm tập trung tham gia bồi dưỡng chuẩn hóa, tránh tình trạng để giáo viên vừa tham gia bồi dưỡng vừa giảng dạy.
1.5. Tăng cường bồi dưỡng và tổ chức hoạt động cho nhóm giáo viên cốt cán môn tiếng Anh (nhất là giáo viên đã được cử đi học tập tại nước ngoài) để phát huy vai trò hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng đồng nghiệp theo từng địa bàn (trường, cụm trường, huyện, tỉnh) phù hợp; tăng cường trách nhiệm và sự chủ động trong các hoạt động lựa chọn nội dung và hình thức bồi dưỡng, trao đổi và sử dụng đội ngũ giảng viên, giáo viên, tình nguyện viên người nước ngoài tham gia vào quá trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo quy định của pháp luật.
1.6. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng để kịp thời điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc và có chế độ báo cáo kịp thời với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp quản lý liên quan.
1.7. Tham mưu với Ủy ban nhân dân các cấp đề xuất chiến lược và chính sách bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, huy động các nguồn lực (ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa…) để bổ sung, tăng cường và đảm bảo đủ điều kiện giáo viên dạy môn tiếng Anh phổ thông theo chương trình mới một cách hiệu quả.
1.8. Tham mưu điều chuyển sang làm công tác khác, đồng thời thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ đối với các giáo viên đã tham gia bồi dưỡng nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt chuẩn; tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kết quả thực hiện bồi dưỡng; lựa chọn những tập thể, cá nhân tiêu biểu để phổ biến, nhân rộng điển hình; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng.
2. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
2.1. Phối hợp với các địa phương làm tốt công tác khảo sát đầu vào, phân loại trình độ, triển khai bồi dưỡng và đánh giá kết quả đầu ra theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cân đối giữa nhu cầu bồi dưỡng của địa phương và khả năng đáp ứng của cơ sở bồi dưỡng, tránh tình trạng thực hiện đồng loạt, quá tải, lệch trọng tâm, bồi dưỡng không phù hợp với nhu cầu.
2.2. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, triển khai công tác bồi dưỡng và đánh giá năng lực giáo viên với địa phương; đảm bảo các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu bồi dưỡng phù hợp với mục tiêu, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, phù hợp với các quy định về bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giảng viên tham gia bồi dưỡng có trình độ bậc 5 (C1) trở lên theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) hoặc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, am hiểu chương trình tiếng Anh phổ thông mới và có khả năng giảng dạy, hướng dẫn, tư vấn giáo viên học tập đạt kết quả theo kế hoạch bồi dưỡng.
2.3. Cam kết kết quả đầu ra với địa phương và chịu trách nhiệm về kết quả bồi dưỡng, kết quả đánh giá năng lực giáo viên theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) hoặc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở bồi dưỡng phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) để chỉ đạo và xử lý kịp thời.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |