Công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định 250/TCCP-BCTL về thí điểm thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính

Số hiệu 312/TCCP-BCTL
Ngày ban hành 14/09/1996
Ngày có hiệu lực 14/09/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
Người ký Tô Tử Hạ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 312/TCCP-BCTL
V/v hướng dẫn tổ chức thực hiện quyết định 250/tccp-bctl về thí điểm thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 312/TCCP-BCTL NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 250/TCCP-BCTL VỀ THÍ ĐIỂM THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN LÊN CHUYÊN VIÊN CHÍNH

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 250/TCCP-BCTL ngày 1/8/1996 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ về việc quy định tạm thời việc thí điểm thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể một số điểm, trong bản quy định tạm thời như sau:

I- ĐIỀU KHOẢN QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Về đối tượng: Điều 1 đã ghi "thí điểm thi nâng ngạch chỉ tổ chức ở ngành hành chính và thi nâng từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính". Nhưng do số lượng xét để tham gia dự thi có thể nhiều. Vì vậy việc tổ chức thi sẽ chia thành nhiều đợt.

Đợt 1: Tổ chức thi cho những người mới được đề bạt từ chức Phó Vụ trưởng trở lên (cấp Bộ, ngành của cơ quan Trung ương sau đây gọi chung là Bộ) và chức Phó Giám đốc Sở, ban, ngành trở lên (ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là tỉnh).

Đợt 2 và các đợt sau sẽ tổ chức thi cho những người có đủ điều kiện như Điều 5 của bản quy định.

2. Về hình thức thi nâng ngạch: gồm 2 phần thi là phần thi bắt buộc và phần thi khuyến khích. Những người đăng ký dự thi khuyến khích để cộng thêm điểm thì khi các Bộ, tỉnh lập danh sách theo mẫu số 2 cần ghi rõ ở cột 10 (ghi chú) là đăng ký thi ngoại ngữ để Hội đồng thi nắm được số lượng người đăng ký và chuẩn bị nội dung, địa điểm, ban giám khảo...

II- VỀ ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ TỔ CHỨC VIỆC SƠ TUYỂN:

1. Người được cử dự thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính có đủ điều kiện sau:

- Là công chức hành chính, đang xếp mã ngạch 01003.

- Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch chuyên viên ban hành theo Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

- Có các văn bằng, chứng chỉ, đề án,... như:

+ Bằng tốt nghiệp đại học.

+ Chứng chỉ ngoại ngữ.

+ Chứng chỉ về đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước.

+ Các công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng hay được phê duyệt.

Các văn bằng, chứng chỉ trên nộp bản sao (photocoopi) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

2. Về Hội đồng sơ tuyển:

a) Sau khi Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển theo quy định tại Điều 6, Hội đồng sơ tuyển cần phân công thành viên tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có người dự thi nâng ngạch làm đầy đủ các thủ tục hồ sơ cần thiết theo quyết định tại khoản 1 Điều 7 để Hội đồng xem xét và thẩm định.

b) Phó Chủ tịch thường trực có trách nhiệm giúp Hội đồng tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ của người xin dự thi theo đúng quy định và hồ sơ của từng cá nhân được đựng trong phong bì riêng.

c) Hội đồng sơ tuyển của Bộ, tỉnh phải tổ chức việc xét duyệt cử người dự thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 7 và lập danh sách tổng hợp theo mẫu số 2, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để có văn bản gửi Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ đăng ký dự thi (kèm theo toàn bộ hồ sơ của người dự thi).

III- NỘI DUNG THI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN Ở BỘ, TỈNH:

1. Nội dung thi: Điều 8 của quy định tạm thời đã ghi chung về nội dung thi. Nội dung cụ thể sẽ được Hội đồng thi tuyển thông báo cho người dự thi khi có giấy báo thi.

2. Tổ chức thực hiện ở Bộ, tỉnh:

a) Từ nay đến 5/10/1996, các Bộ, tỉnh thành lập Hội đồng sơ tuyển và tổ chức việc thẩm định hồ sơ, xét duyệt trình Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để có văn bản chính thức gửi đến Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.

b) Từ 6/10/1996 đến ngày 10/10/1996, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tổng hợp số lượng và gửi giấy thông báo cho những người dự thi đợt 1 vào cuối tháng 10/1996. Đợt 2 sẽ thi trong tháng 11/1996.

c) Dự kiến tổ chức thi tại hai địa điểm:

- Các Bộ và các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc thi tại Hà Nội.

- Các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam thi tại thành phố Hồ Chí Minh.

d) Về kinh phí gồm có:

+ Tiền mua tài liệu để đọc của thí sinh.

+ Tiền lệ phí thi.

Tổng số dự kiến là khoảng 100.000 đ đề nghị cơ quan hỗ trợ cho người đi thi toàn thể hay một phần.

Trên đây là một số điểm hướng dẫn cụ thể, trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, tỉnh phản ảnh về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ để nghiên cứu giải quyết.

 

 

Tô Tử Hạ

(Đã ký)

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ