Công văn 31/BTTTT-VP năm 2023 về giải pháp phát huy tối đa hiệu quả tích cực của các mạng xã hội và tăng cường quản lý không gian mạng đảm bảo an toàn an ninh mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 31/BTTTT-VP
Ngày ban hành 04/01/2023
Ngày có hiệu lực 04/01/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Đề nghị có giải pháp phát huy tối đa hiệu quả tích cực của các mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý không gian mạng đảm bảo an toàn an ninh mạng, tránh để không gian mạng bị lợi dụng, lạm dụng, nhất là trong việc đánh cắp thông tin người dùng xâm phạm đến quyền và ích hợp pháp của người dùng hoặc gây tác động xấu đến người dùng mạng xã hội.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

* Về đề nghị có giải pháp phát huy tối đa hiệu quả tích cực của các mạng xã hội:

Sự phát triển của các trang thông tin điện tử (TTĐT), mạng xã hội (MXH) đã góp phần lan tỏa thông tin nhanh n, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn. Một số trang TTĐT, MXH phát triển theo hướng chuyên sâu, cung cấp những thông tin hữu ích cho người dùng. Nội dung thông tin trên các trang TTĐT, MXH, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn:

Thứ nhất, từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ TT&TT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Thứ hai, từ các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt. Ngoài ra, các MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook, YouTube, TikTok là các MXH có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.

Thời gian vừa qua Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp:

- Tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là MXH, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet.

- Phối hợp với các địa phương tổng rà soát việc cấp phép và hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp, MXH; siết chặt công tác cấp phép; tổ chức làm việc với đơn vị chủ quản trang TTĐT tổng hợp, MXH trong nước để chấn chỉnh, yêu cầu lập cam kết chấm dứt các hành vi tự viết bài có nội dung ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, doanh nghiệp.

- Triển khai hàng loạt các biện pháp về pháp lý, ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật... để đấu tranh quyết liệt với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam, như Facebook, Google, TikTok; buộc những doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; buộc phải triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các MXH này khi có yêu cầu từ phía Bộ TT&TT (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 90%).

- Định kỳ, đột xuất tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang TTĐT tổng hợp, MXH đã được cấp giấy phép hoạt động, các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước nhằm chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị này trên môi trường mạng.

Trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ triển khai:

- Xử lý tên miền dễ gây nhầm lẫn với báo chí: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục rà soát, xác định danh mục các tên miền được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trang TTĐT tổng hợp, MXH gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy phạm pháp luật liên quan đến trang TTĐT, MXH đến các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu, nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời tham gia vào quá trình giám sát.

- Khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2012 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động trang TTĐT tổng hợp, MXH, luật hóa khái niệm “báo hóa”, cụ thể: quy định trên giao diện trang TTĐT, MXH phải thể hiện rõ thông tin nhận biết; phải ghi rõ loại hình trang tin tổng hợp, MXH, phạm vi cung cấp thông tin; yêu cầu dẫn liên kết (link) gốc ngay dưới bài viết; không sử dụng tên miền tương tự tên báo chí; tách riêng chuyên mục hỏi đáp, thảo luận, trao đổi về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang tin tổng hợp; bổ sung quy định trong thỏa thuận về nguồn tin với các báo về thời hạn, nội dung tổng hợp (theo đúng tôn chỉ mục đích của báo), trách nhiệm các bên (rà soát, thông báo các bài cần gỡ, kết quả gỡ bài)... Bổ sung quy định về liên kết sản xuất tin bài giữa trang tin tổng hợp với cơ quan báo chí.

* Về đề nghị tăng cường quản lý không gian mạng đảm bảo an toàn an ninh mạng, tránh để không gian mạng bị lợi dụng, lạm dụng, nhất là trong việc đánh cắp thông tin người dùng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng hoặc gây tác động xấu đến người dùng mạng xã hội.

Trong thời gian vừa qua, lộ lọt thông tin cá nhân gây tác động không tốt đến người dân, trong đó có một vài nguyên nhân:

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng của mình, chưa coi dữ liệu thông tin cá nhân là tài sản cần phải bảo vệ, chưa triển khai các biện pháp kỹ thuật, quản lý để bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân.

- Cá nhân chưa thận trọng, chưa có ý thức tự bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của mình, tùy tiện cung cấp dữ liệu thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng, tham gia mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp thực hiện và triển khai các biện pháp:

- Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cần: Thực hiện rà soát việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo vệ thông tin cá nhân do mình thu thập, lưu trữ theo quy định về an toàn, an ninh mạng; Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý: Đề nghị Bộ Công an hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Thường xuyên kiểm tra việc bảo vệ thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tiến hành thanh tra và xử lý quyết liệt, mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, giám sát việc thực hiện các quy định, rà soát các lỗ hổng bảo mật, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ bí mật thông tin thuê bao.

- Theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời.

[...]