Công văn 2993/TCMT-KSON năm 2015 thực hiện Thông tư 41/2015/TT-BTNMT do Tổng cục Môi trường ban hành
Số hiệu | 2993/TCMT-KSON |
Ngày ban hành | 31/12/2015 |
Ngày có hiệu lực | 31/12/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Môi trường |
Người ký | Nguyễn Văn Tài |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2993/TCMT-KSON |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường xử lý Phiếu chuyển số 765/PC-VPCP ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền văn bản số 32/2015/VPPA ngày 02 tháng 11 nam 2015 của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam về việc thực hiện Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT) và Công văn số 6037/TCHQ-GSQL ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Tổng cục hải quan về việc tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa là phế liệu nhập khẩu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Môi trường có một số ý kiến như sau:
1. Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về Điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2015 về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) đã được Tổng cục Môi trường gửi Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để đăng tải xin ý kiến cộng đồng đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Công văn số 232/TCMT-KSON ngày 24 tháng 2 năm 2015. Trong suốt thời gian dự thảo Thông tư được đăng tải trên website, Bộ Tài nguyên và Môi trường không nhận được ý kiến góp ý nào.
2. Điều 10 của Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT không quy định về thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan hải quan mà chỉ yêu cầu về thành phần các văn bản cần phải bổ sung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu vào hồ sơ gửi cơ quan hải quan khi làm thủ tục để kiểm tra, thông quan. Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, các thành viên ban soạn thảo (trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan) đã trao đổi rất kỹ nội dung yêu cầu bổ sung các văn bản nêu tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT trong thành phần hồ sơ để kiểm tra, thông quan là đúng quy định và để triển khai thực hiện được ngay mà không phải chờ bổ sung vào các quy định hiện có của lĩnh vực hải quan, vì vậy không thể bỏ các yêu cầu này theo ý kiến của quý Hiệp hội.
3. Phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để chuyển chất thải, rác thải vào Việt Nam (phế liệu giấy nhập khẩu để sản xuất, tái chế có nguy cơ gây ô nhiễm do chất thải kèm theo là ni lông, các loại đinh ghim, các loại mực in và hóa chất tẩy dùng trong sản xuất giấy), ngoài ra loại hình kinh doanh phế liệu nhập khẩu là loại hình kinh doanh có Điều kiện, vì vậy các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với loại hình kinh doanh, sản xuất này cũng cần phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, vì vậy thời hạn của Giấy xác nhận không thể dài hơn 2 năm. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra và làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương có nhiều cơ sở nhập khẩu phế liệu đều có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn của Giấy xác nhận để tăng cường hiệu quả quản lý.
Đối với thời hạn xem xét cấp Giấy xác nhận, nếu thực tế dây chuyền sản xuất, tái chế phế liệu và các công trình biện pháp xử lý chất thải phát sinh trong quá trình xử lý, tái chế phế liệu nhập khẩu của cơ sở đã được cơ quan quản lý xác nhận là đáp ứng yêu cầu và thành phần, nội dung hồ sơ của cơ sở đúng quy định của Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT thì thời hạn xử lý, cấp Giấy xác nhận sẽ rất nhanh và thuận lợi cho cơ sở.
4. Qua đánh giá, kiểm tra, giám sát công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong cả nước trước khi Luật bảo vệ môi trường 2014 có hiệu lực, Tổng cục Môi trường nhận thấy nhiều cơ quan quản lý tại địa phương về lĩnh vực nhập khẩu phế liệu chưa làm tốt công tác này, cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định, sai đối tượng, không có đầy đủ thông tin về các cơ sở trực tiếp nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu và đặc biệt là thông tin đối với cơ sở nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu để sản xuất, tái chế đã ủy thác cho nhiều các tổ chức, cơ sở khác nhập khẩu với tổng khối lượng lớn hơn rất nhiều công suất xử lý, tái chế, sản xuất của cơ sở, thậm chí có cơ sở cho thuê lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nhập khẩu phế liệu gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ khối lượng cũng như chất lượng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài và tránh trường hợp tách nhỏ các hợp đồng ủy thác nhập khẩu phế liệu, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận trên cơ sở khối lượng phế liệu nhập khẩu hàng năm của cơ sở như tại Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT.
5. Việc quy định ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo tỷ lệ khối lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu để đảm bảo trong trường hợp lô hàng phế liệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường mà không thể tái xuất được thì số tiền ký quỹ đảm bảo đủ để xử lý, tiêu hủy lô hàng phế liệu vi phạm, vì vậy không quy định đồng mức 5% như ý kiến của quý Hiệp hội.
Đối với việc thêm hình thức bảo lãnh tín dụng, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tiếp thu ý kiến này của quý Hiệp hội trước đây và đã có văn bản xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc xem xét Điều chỉnh trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
6. Về các nội dung liên quan đến văn bản số 6037/TCHQ-GSQL, Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định rõ “phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và thuộc Danh Mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định”, vì vậy lô hàng phế liệu nhập khẩu phải được xác nhận là đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tổng cục Môi trường cho rằng cơ quan hải quan đã thực hiện đúng các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu liên quan đến các hoạt động quản lý của cơ quan hải quan.
Cuối cùng, Tổng cục Môi trường trân trọng cảm ơn những ý kiến của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và cũng chia sẻ với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất giấy nói riêng, tuy nhiên quý Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất khác cũng phải cùng với cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, vừa phải phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động nhưng phải đảm bảo chất lượng môi trường sống, môi trường lao động. Sau một thời gian nhất định tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới của Luật bảo vệ môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu mà cụ thể là Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị từ các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, các Hiệp hội, các cơ quan quản lý có liên quan để nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện hành, tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất nhưng vẫn đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường.
Tổng cục Môi trường gửi quý Hiệp hội để biết và hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện./.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG |