Công văn 2827/BNN-BVTV năm 2019 về phòng chống sâu keo mùa thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2827/BNN-BVTV |
Ngày ban hành | 24/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 24/04/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Xuân Cường |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2827/BNN-BVTV |
Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2019 |
Kính gửi: |
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; |
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật tại công văn số 937/BVTV-TV ngày 17/4/2019 về kết quả giám định sâu keo mùa thu ở Việt Nam, loài sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) đã xuất hiện ở nước ta. Đây là loài sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác nên cần phải có biện pháp quản lý kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.
Để tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu hại này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ở địa phương tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ hại sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác, báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 10/5/2019 để tổng hợp, báo cáo Bộ; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để hạn chế thiệt hại.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân trên địa bàn quản lý.
- Điều tra phát hiện các giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để hướng dẫn nông dân thay thế giống nhiễm nặng.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
a) Cục Bảo vệ thực vật
- Ban hành tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu để hướng dẫn các địa phương áp dụng cho chỉ đạo phòng trừ và tuyên truyền.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông từ trung ương đến địa phương và nông dân
- Hướng dẫn hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tạm thời sử dụng phòng trừ sâu keo mùa Thu để các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cho nông dân.
- Khuyến cáo doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm phòng trừ sâu keo mùa thu (thuốc bảo vệ thực vật, bẫy bả, bẫy pheromone, ...) theo quy định pháp luật hiện hành, ưu tiên thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
- Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về loài sâu hại này.
- Giao Cục Bảo vệ thực vật là đầu mối tham mưu, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình sâu keo mùa thu và các hoạt động liên quan.
b) Cục Trồng trọt
- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu.
- Đặt hàng nghiên cứu giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào sản xuất.
c) Trung tâm Khuyến nông quốc gia
- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, thông tin, tuyên truyền; soạn thảo, in ấn và phát hành tài liệu phòng chống sâu keo mùa thu.
- Xây dựng các mô hình khuyến nông quản lý dịch hại tổng hợp sâu keo mùa thu ở địa phương.
- Tổ chức tập huấn về sâu keo mùa thu cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông ở địa phương.
d) Các đơn vị nghiên cứu
Các Viện, Học viện tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường sinh thái; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu, tuyển chọn giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo ngay về Bộ (Cục Bảo vệ thực vật) để kịp thời giải quyết./.
|
BỘ TRƯỞNG |