Công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Số hiệu 2753/LĐTBXH-BHLĐ
Ngày ban hành 01/08/1995
Ngày có hiệu lực 01/08/1995
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Duy Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2753/LĐTBXH-BHLĐ
V/v hướng dẫn Xây Dựng danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1995

 

Kính gửi: Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ

Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 23/6/1994 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết một số điều của Bộ luật; để xây dựng hệ thống chức danh nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã triển khai thực hiện thí điểm ở 7 bộ, ngành (Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Giao thông vận tải, Xây dựng, Năng lượng, Bưu điện). Trong  quá trình triển khai thực hiện thí điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nói trên đã có sự phối hợp chặt chẽ để tiến hành ở một số đơn vị này. Giai đoạn I đã đạt được những kết quả thiết thực, cụ thể đã tổng hợp được 6 nghề, công việc thuộc loại điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 265 nghề, công việc thuộc loại điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tuy nhiên, qua thực hiện ở giai đoạn I cho thấy, phương pháp và tổ chức thực hiện còn một số tồn tại như:

- Việc dùng phương pháp khoa học để đánh giá và phân loại điều kiện lao động là đúng đắn, nhưng chỉ dùng một phương pháp này thì chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế, mà cần phải có thêm phương pháp khác.

- Về tổ chức thực hiện thì chưa có hướng dẫn kỹ cách đo đạc các số liệu theo quy định chung và việc tổ chức giám sát chưa chặt chẽ nên khi xác định nghề ở nhiều ngành cũng còn gặp một số khó khăn.

Để khắc phục các tồn tại nói trên và giúp các bộ, ngành xác định điều kiện lao động của nghề hoặc công việc một cách khách quan trên cơ sở pháp luật quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp xây dựng hệ thống danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, các ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tiến hành xác định nghề và công việc theo phương pháp kèm theo Công văn này, tổng hợp kết quả và gửi về Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế xem xét để ban hành.

Đề nghị các bộ, ngành quan tâm thực hiện để sớm ban hành toàn bộ danh mục nghề, công việc nói trên trong năm 1995

 

HƯỚNG DẪN

PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM
(Kèm theo Công văn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/8/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Việc xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực hiện theo các nội dung sau đây:

Phần I

Đánh giá hiện trạng về hệ thống danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Đánh giá hiện trạng các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện tại theo các nội dung sau:

1. Thống kê lại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đang được sử dụng ở các đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý.

2. Các chế độ đang được áp dụng đối với các nghề, công việc nói trên.

3. Những bất hợp lý trong việc phân loại nghề, công việc và các chế độ được áp dụng.

Phần II

Nội dung phương pháp phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

I. Xác định đối tượng

Mục đích là xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì vậy chỉ đánh giá phân loại các nghề công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong quá trình xác định đối tượng có thể dựa trên danh mục (đã kể ở phần I đã loại bỏ các trường hợp bất hợp lý) hoặc bổ sung các trường hợp khác nếu thấy cần thiết (bao gồm cả những nghề, công việc mới phát sinh).

II. Phương pháp

1. Phương pháp thống kê, kinh nghiệm

Căn cứ hệ thống phân loại lao động ban hành theo Quyết định số 278 LĐ/QĐ ngày 13/11/1976 của Bộ Lao động (cũ) và các văn bản bổ sung của Bộ, ngành trong những năm qua đã được quy định trong hệ thống thang bảng lương, phụ cấp độc hại, bồi dưỡng hiện vật.... có thể xác định được những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt NNĐHNH.

Phương pháp này là cơ sở để lập danh mục nghề, công việc trên cơ sở đó đánh giá phân loại theo phương pháp khoa học sẽ nói ở phần sau.

2. Phương pháp đánh giá phân loại thông qua hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động

[...]